Bảo tàng xoay xở tìm hướng đi mới “thời COVID-19”

Chủ Nhật, 23/05/2021, 07:22
Sau nhiều đợt chịu ảnh hưởng liên tiếp bởi dịch bệnh do COVID-19, nhiều bảo tàng ngày càng chủ động hơn trong khắc phục khó khăn, thích ứng, đảm bảo hoạt động trong điều kiện, hoàn cảnh mới.

Ngày 21/5, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, số lượt khách tham quan Bảo tàng hiện nay đã giảm khoảng 93% so với trước đại dịch COVID-19. Hiện tại, Bảo tàng đang tạm dừng phục vụ khách tham quan trực tiếp. Tuy nhiên, để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chủ động điều chỉnh hướng đi trên cơ sở tích hợp và đa dạng hóa các hoạt động. Trong điều kiện khách không thể tham quan trưng bày, Bảo tàng xây dựng trưng bày online. 

2 chuyên đề “Di tích Bãi Cọi- nơi gặp gỡ các nền văn hóa” và “Đảng Cộng sản Việt Nam - từ Đại hội đến Đại hội” đã được thực hiện thành công. Hiện tại, Bảo tàng đang tiếp tục nghiên cứu, cập nhật ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng trưng bày 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia”. 

Quay video để giới thiệu hiện vật, không gian trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bảo tàng tiếp tục cập nhật nội dung, công nghệ, xây dựng hoàn thiện Bảo tàng ảo 3D toàn bộ hệ thống trưng bày thường trực và đăng trên website để giới thiệu rộng rãi hơn đến công chúng. Từ tháng 7-2020, đơn vị đã tổ chức “Giờ học lịch sử online” cho học sinh ở trong và ngoài nước. Trong quý I năm 2021, 26 buổi học “Giờ học lịch sử online” đã được tổ chức cho 450 học sinh. 

Việc thực hiện ứng dụng công nghệ trong giới thiệu trưng bày Bảo tàng liên tục được đẩy mạnh. Với hệ thống thuyết minh tự động 3 thứ tiếng Việt - Anh - Hàn Quốc, mã QR code giới thiệu trưng bày thường trực, Bảo tàng đang tiếp tục biên tập, cập nhật, bổ sung nội dung, đồng thời đa dạng ứng dụng công nghệ (thiết bị cầm tay, quét mã QR code bằng điện thoại thông minh smartphone) để đáp ứng nhu cầu của khách. Bảo tàng đã phối hợp với đối tác xây dựng ứng dụng phần mềm công nghệ cập nhật ứng dụng mới thay thế công nghệ cũ (Adobe Flash) để thuận tiện cho khách tham quan online 3D trên website của đơn vị. Việc tư liệu hóa tài liệu, hình ảnh cũng được triển khai nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu số phục vụ cho các hoạt động Bảo tàng, nhất là các hoạt động ứng dụng công nghệ phát huy giá trị tài liệu, hiện vật và nghiên cứu, khai thác tư liệu...

Việc ứng dụng công nghệ trong phát huy giá trị hiện vật, đáp ứng nhu cầu của công chúng trong điều kiện hạn chế đi lại, giao lưu, tiếp xúc đang là giải pháp được nhiều bảo tàng lựa chọn hiện nay. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giữa những thời điểm căng thẳng nhất do dịch bệnh, đơn vị đã thực hiện khá nhiều triển lãm online. Mới đây nhất, ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA được Bảo tàng triển khai. 

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, đây là dự án xã hội hóa, do đơn vị phối hợp với công ty cổ phần phần mềm di động Việt Nam triển khai. Thông qua ứng dụng này, du khách có thể biết được thông tin tác giả, tác phẩm, những câu chuyện xung quanh tác giả, tác phẩm. Các thông tin được chuyển tải bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Việc triển khai ứng dụng iMuseum VFA không chỉ giúp du khách chủ động tham quan, tìm hiểu bảo tàng mà còn giúp mọi người ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới dễ dàng tiếp cận với tác phẩm tại Bảo tàng, giúp Bảo tàng kết nối với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng cho biết, nhằm thích ứng với bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đơn vị đã có nhiều nỗ lực nhằm đổi mới, đa dạng các hoạt động để phù hợp với bối cảnh mới. Bảo tàng đã xây dựng nhiều nội dung để giới thiệu hình ảnh và câu chuyện đằng sau hiện vật, xây dựng các không gian trưng bày qua mạng xã hội để du khách có thể tìm hiểu, khám phá ngay tại nhà. Song song với đó, đơn vị còn tổ chức “Trưng bày mở” phía trước của Bảo tàng nhằm giới thiệu đến công chúng các hình ảnh, không gian, chủ đề trưng bày, hoạt động tiêu biểu của đơn vị. 

N.Nguyễn
.
.
.