Bán bản quyền sách Việt Nam ra thế giới: Tiềm năng lắm, thách thức nhiều
- Thành lập trung tâm giao dịch bản quyền sách tại Phố Sách Hà Nội
- ‘Gỡ rối’ cho xuất bản bằng Trung tâm bản quyền sách?
- Luật Xuất bản sửa đổi: Hy vọng gì cho bản quyền sách điện tử?
Cùng với sự nỗ lực của các đơn vị hoạt động xuất bản, phát hành, sách Việt Nam đang được bán bản quyền ngày càng nhiều hơn trên thế giới. Đây là những tín hiệu vui cho “làng” sách Việt. Tuy nhiên, để khẳng định được vị trí của sách Việt trên thị trường thế giới vẫn là chặng đường dài nhiều khó khăn mà những người tham gia hoạt động xuất bản cần chinh phục.
Một buổi giới thiệu giao dịch bản quyền sách tại Việt Nam có sự tham gia của đại diện nhiều đơn vị làm sách đến từ nhiều nước trên thế giới. |
Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2016, xuất khẩu văn hóa phẩm của Việt Nam đã đạt khoảng 3,9 triệu USD. Để có kết quả này, bên cạnh việc duy trì, phát triển tốt hoạt động nhập khẩu xuất bản phẩm, một số công ty kinh doanh xuất bản phẩm nhập khẩu đã có nhiều biện pháp duy trì khách hàng truyền thống, tìm kiếm thêm khách hàng mới, mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu xuất bản phẩm sang một số nước trên thế giới.
Việc tổ chức tuyên truyền, quảng bá xuất bản phẩm đã được một số công ty phát hành sách đầu tư, cải tiến bằng nhiều hình thức nên đã đem lại hiệu quả tốt trong việc phát hành xuất bản phẩm phục vụ bạn đọc trong và ngoài nước.
Trao đổi về việc bán bản quyền sách Việt Nam ra thế giới, bà Pimolporn Yutisri cũng nhận định: "Làm công việc giao dịch bản quyền cùng các đơn vị xuất bản của Việt Nam hơn 10 năm qua, tôi thực sự ấn tượng với đà phát triển và sự nâng cao nhận thức về bản quyền của các bạn trong vài năm gần đây. Đã đến lúc các bạn suy nghĩ nghiêm túc về việc bán thay vì chỉ tập trung mua bản quyền sách quốc tế!".
Tuy nhiên, bà cũng cho biết, để thực hiện bán bản quyền sách ra nước ngoài còn cần nhiều điều kiện, trong đó, việc thực hiện một cách hiệu quả hoạt động giới thiệu tác phẩm là vấn đề mang tính quyết định. Công việc này luôn đòi hỏi một đội ngũ biên tập viên vừa có trình độ cao, vừa am hiểu văn hóa các nước, giỏi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Lý do là một biên tập viên giỏi sẽ chọn được những cuốn sách tốt.
Sự am hiểu văn hóa các nước giúp họ không vấp phải những lỗi rất “ngô nghê” như lỡ giới thiệu một cuốn sách có chi tiết nhân vật ăn thịt lợn, thịt bò đối với các quốc gia, cộng đồng kiêng giết, ăn thịt lợn, bò.
Giỏi ngoại ngữ sẽ giúp biên tập viên chuyển tải nội dung cuốn sách cần giới thiệu một cách tốt nhất, cập nhật các xu hướng văn hóa, giải trí thời thượng để nương theo đó đề xuất hỗ trợ sáng tạo các nhân vật cho phù hợp, có thể dịch thuật, truyền tải chính xác, trung thành với nội dung bản gốc, đồng thời phối hợp chặt chẽ với những người làm đại diện giao dịch bản quyền chuyên nghiệp trong việc tìm ra tác phẩm tiêu biểu.
Cũng theo bà Pimolporn Yutisri, hiện nay, tại Việt Nam và các nước có 2 xu hướng giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sách trên thế giới. Một xu hướng là tác giả, nhà xuất bản, công ty làm sách liên kết tự tóm tắt, giới thiệu tác phẩm trên các trang mạng xã hội, các nhà sách trực tuyến lớn. Xu hướng này tiết kiệm chi phí, tạo sự chủ động cho người muốn bán bản quyền sách ra thế giới nhưng nhiều yếu tố may rủi.
Nếu không đủ uy tín, không đủ sức tạo ấn tượng, cách làm này dễ khiến sách bị các đối tác bỏ qua vì mỗi ngày, lượng sách được xuất bản trên thế giới rất lớn. Cách thứ 2 hiệu quả hơn là giới thiệu sách thông qua mạng lưới các công ty, những người đại diện giao dịch bản quyền chuyên nghiệp. Đội ngũ này hiện diện tại hầu khắp các quốc gia trên thế giới và đang là đầu mối quan trọng của các nhà xuất bản lớn nhất, giúp người làm xuất bản lựa chọn, thẩm định những tác phẩm phù hợp với từng loại thị trường.
Kinh nghiệm lâu năm, uy tín và các mối quan hệ xuyên quốc gia là điều kiện thuận lợi để đội ngũ này chia sẻ các đầu sách hiệu quả đến các nhà xuất bản cũng như trong nội bộ mạng lưới của chính họ. Người đại diện giao dịch bản quyền chuyên nghiệp cũng sẽ đưa ra các ý kiến điều chỉnh phù hợp với từng cuốn sách để phù hợp với bạn đọc đặc thù của từng cộng đồng. Người có uy tín càng cao thì hiệu quả giới thiệu càng tốt vì nhà xuất bản đã biết đến họ, tin tưởng cuốn sách họ giới thiệu sẽ chinh phục được bạn đọc.
Chưa kể, nếu đối tác này không đón nhận, họ có thể thông qua các đồng nghiệp để giới thiệu ra nhiều quốc gia, nhiều đơn vị xuất bản khác cùng một lúc. Cơ hội bán bản quyền cuốn sách cũng vì thế mà cao hơn rất nhiều. Họ cũng sẽ là người theo suốt quá trình thực hiện hợp đồng của các bên. Nếu xảy ra tình trạng mất bản quyền, vi phạm hợp đồng, họ sẽ là người nhắc nhở, đề xuất các biện pháp ngăn chặn, xử lý…
Ông Nguyễn Xuân Minh, Trưởng phòng Kế hoạch bản quyền Công ty Truyền thông Nhã Nam cũng cho biết: Để bán bản quyền sách Việt Nam ra thế giới, người làm sách Việt sẽ còn rất nhiều điều phải làm. Nhưng chắc chắn, nếu các đơn vị có được đội ngũ dịch thuật chuẩn, hiểu rõ đặc điểm của thị trường mục tiêu, với cách làm bài bản cùng sự hỗ trợ của các đại diện giao dịch bản quyền chuyên nghiệp, xuất khẩu sách ra thế giới sẽ là thị trường nhiều tiềm năng cho xuất bản Việt Nam.