Bài 2: Để hầu đồng không biến tướng!

Thứ Hai, 12/12/2016, 08:15
Làm thế nào để việc hầu đồng được thực hành đúng với bản chất và ý nghĩa tốt đẹp của nó, để không bị biến tướng và trục lợi thì lại là một bài toán không hề dễ dàng.


Cùng với “Công Đồng Bắc Lệ” ở Lạng Sơn; đền Mẫu Đông Cuông Tuần Quán (Yên Bái); Đền Sòng Sơn (Thanh Hóa ); đền ông Hoàng Mười (Nghệ An); đền ông Hoàng Bẩy (Lào Cai); Phủ Tây Hồ (Hà Nội), thì Phủ Dầy ở Vụ Bản, tỉnh Nam Định được coi là “thủ phủ” của hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngày 9-12, nhóm phóng viên Báo CAND về Phủ Dầy để ghi nhận hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nơi đây.

Sau khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Định” được ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cùng với cộng đồng đã đề nghị Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch trình Thủ tướng cho phép xây dựng hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vào năm 2015 để trình UNESCO và hồ sơ này vừa chính thức được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nếu như tỉnh Nam Định đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hồ sơ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Việt Nam trình UNESCO thì Phủ Dầy là một địa chỉ không thể thiếu trong quá trình xây dựng đó. 

Bằng chứng là trong thành phần đoàn công tác của Việt Nam đi dự Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO họp tại Ethiopia và công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vừa qua, có bà Trần Thị Huệ, đại diện gia đình thủ nhang Phủ Tiên Hương (tại quần thể di tích Phủ Dầy).

Phủ Tiên Hương được coi là một trong những di tích chính trong 22 địa chỉ của quần thể di tích Phủ Dầy. Khi chúng tôi có mặt tại Phủ Tiên Hương, không khí thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở đây đang được diễn ra với nghi thức tiêu biểu là hầu đồng. 

Cùng một lúc, có hai giá đồng được thực hiện ở hai vị trí gian trước và gian giữa của Phủ. Âm thanh hát chầu văn ngân lên những cung bậc vui nhộn, các thanh đồng say sưa hòa mình vào những nhân vật của các giá đồng để thể hiện việc thực hành tín ngưỡng.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Huệ cho biết, hơn 10 ngày đi dự cuộc họp, đến khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được vinh danh, bà và các thành viên trong đoàn không thể kìm được nước mắt. 

Niềm tự hào dân tộc trỗi dậy vì sự công nhận của thế giới đối với loại hình thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu thiêng liêng. Bà cho rằng, đây là cơ hội để các đền, phủ và những người tham gia thực hành tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu mà tổ tiên để lại.

Vấn đề vung tiền trong thực hành nghi thức hầu đồng vẫn còn gây nhiều tranh cãi.   (Ảnh minh họa)

Hầu đồng là một loại hình thực hành tiêu biểu trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. 36 giá đồng là 36 câu chuyện ca ngợi những người anh hùng dân tộc trong việc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi hay những nhân vật điển hình ở từng vùng có công làm cho cuộc sống người dân được ấm no, hạnh phúc, dệt lụa, quay tơ, trồng lúa, hái chè… Tuy nhiên, làm thế nào để việc hầu đồng được thực hành đúng với bản chất và ý nghĩa tốt đẹp của nó, để không bị biến tướng và trục lợi thì lại là một bài toán không hề dễ dàng.

Thời xưa, với những người nông dân, chỉ cần chiếc khăn phủ diện màu đỏ là có thể thực hành nghi thức hầu đồng. 

Kết quả nghiên cứu điền dã của TS Nguyễn Ngọc Mai, Viện Tôn giáo có đoạn: “Theo trí nhớ của các đồng cao tuổi, trước đây trang phục lên đồng rất đơn giản và không bắt buộc. Chỉ có chiếc khăn phủ diện đỏ là không thể thiếu. Còn lại các giá thánh đều được biểu lộ bằng chiếc thắt lưng các màu. Nhiều đồng chỉ có bộ quần áo nâu mới với chiếc khăn phủ diện đỏ là được. Khá hơn nữa là có thêm bộ áo dài đỏ, hồng”.

Tuy nhiên, biến thiên theo thời gian, đến một giai đoạn nhất định, ở nhiều nơi thành thị, mỗi người thực hành nghi lễ lên đồng phải có tối thiểu 5 bộ quần áo với những màu sắc khác nhau để đại diện cho các giá như hàng Mẫu, hàng Quan, hàng ông Hoàng, hàng Cô, hàng Cậu... 

Hiện nay, ở hầu hết các nơi, một thanh đồng có thể có từ 15 - 20 bộ khăn chầu áo ngự. Có những thanh đồng còn sắm đầy đủ trang phục cho 36 giá với chi phí lên đến hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, nghi thức vung tiền trong hầu đồng cũng là một vấn đề gây ra khá nhiều bàn cãi. Có nhiều giá đồng mà người hầu đồng sẵn sàng vung cả xấp tiền với những mệnh giá một trăm nghìn, thậm chí lên đến năm trăm nghìn. 

Vì vậy, tính tất cả các loại chi phí, có những buổi lên đồng chi mất một hai trăm triệu đồng. Cá biệt có những buổi hầu đồng, tính tổng các loại chi phí, công lao, số tiền mà người hầu đồng phải chi trả lên đến cả tỉ đồng. Điều này đã làm cho hoạt động hầu đồng không còn bình thường như khởi nguyên của nó, tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều.

Bên cạnh đó, đối tượng hầu đồng cũng là vấn đề đáng quan tâm. Xưa kia, chỉ những người được cho là có căn, có quả thì mới ra hầu đồng lập phủ với mong muốn người có căn quả được thanh thản, nhẹ nhàng. 

Nay lượng người ra hầu đồng ngày một nhiều với không ít tư tưởng là hầu đồng để mà xin lộc Mẫu trong tiền tài, danh vọng thăng quan tiến chức. Từ đó kéo theo một chuỗi những sự trục lợi, làm méo mó đi nghi thức hầu đồng – một bộ phận của loại hình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tốt đẹp vốn có.

Trước và sau khi được UNESCO vinh danh, việc lợi dụng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, trong đó có nghi thức hầu đồng để làm biến tướng, trục lợi, kéo theo mê tín dị đoan là một trong những nguy cơ cần phải được kiểm soát và ngăn chặn. Vậy, làm thế nào để bảo vệ và phát huy việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu một cách lành mạnh cũng là việc hết sức đang quan tâm vào lúc này.

Cảnh Vũ - Phan Hoạt
.
.
.