Bảo tồn và phát huy thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Không phải vinh danh tín ngưỡng…

Chủ Nhật, 11/12/2016, 07:12
Cụm từ đầy đủ trong văn bản mà UNESCO sử dụng để vinh danh là: “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Như vậy, “Thực hành” là bản chất của sự vinh danh chứ không phải là sự vinh danh tín ngưỡng.

“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vừa chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, để hiểu đúng về danh hiệu và di sản, để bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, là một vấn đề không dễ dàng. Trong loạt bài này, Báo CAND sẽ làm rõ vấn đề nêu trên.

Cụm từ đầy đủ trong văn bản mà UNESCO sử dụng để vinh danh là: “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Như vậy, “Thực hành” là bản chất của sự vinh danh chứ không phải là sự vinh danh tín ngưỡng.

Biểu diễn giới thiệu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở phủ Tiên Hương, Phủ Dầy, Vụ Bản, Nam Định.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ. Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, một trong những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu cho rằng, từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này đã trở thành một sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng cùng chung quan điểm, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt còn là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc bộ, Bắc Trung bộ và TP Hồ Chí Minh, trong đó Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu.

Các thông tin trong Hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chỉ ra rằng, di sản đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo.

 Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ thứ 16 thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử... Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành.

Trong đó, bộ phận cấu thành của di sản này góp phần vào khả năng thực hành di sản nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó ở các cấp độ khác nhau; đưa ra được những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tham gia vào việc thờ Mẫu như là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng, cùng với đó là sự kết hợp của Đạo giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác.

Khi di sản này được chia sẻ bởi các nhóm dân tộc khác nhau ở Việt Nam, việc thực hành sẽ tăng cường đối thoại và thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa; giúp cho việc sáng tạo, làm giàu vốn văn hóa và trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng.

Vì vậy, hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” được UNESCO công nhận trước hết ở giá trị của tục thờ nữ thần, bao gồm Mẫu Thượng Thiên (cai quản vùng trời), Mẫu Thượng Ngàn (cai quản rừng núi) và Mẫu Thượng Thủy (cai quản vùng nước).

Những nhân vật khác được thờ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là những nhân vật có thật trong lịch sử hoặc chỉ có trong truyền thuyết nhưng được người Việt tin, thờ và trao truyền tập quán đó. Đó là giá trị văn hóa có tính biểu tượng trong tập quán thờ nữ thần và các nhân vật khác là anh hùng, người có công đối với đất nước.

Bên cạnh đó, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được vinh danh ở góc độ thứ hai bởi đó là một nghệ thuật trình diễn tổng hợp có âm nhạc, bài hát, điệu múa, trang phục, có các đạo cụ, lề lối trong trình diễn cùng những thực hành văn hóa như ăn trầu, uống rượu, dâng hương, phát lộc hoặc lắng nghe lời thỉnh cầu, giao tiếp với cộng đồng… Tất cả những chi tiết này tạo thành một phương thức thể hiện gọi là “lên đồng”.

Biểu diễn giới thiệu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Phủ Tiên Hương, Phủ Dầy, Vụ Bản, Nam Định. (Ảnh minh họa).

Cuối cùng, UNESCO cũng đánh giá cao giá trị mà hồ sơ cung cấp, đó là di sản này đã được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013, được kiểm kê cập nhật hằng năm với sự tham gia của cộng đồng địa phương, trưởng thôn, thủ nhang, đồng đền, ông đồng, bà đồng, con nhang, đệ tử...

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa khẳng định, UNESCO không vinh danh tín ngưỡng, không vinh danh dưới góc độ tôn giáo hay tâm linh mà vinh danh dưới góc độ văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Đó là tri thức dân gian, ngôn ngữ truyền khẩu, nghệ thuật tạo hình, trang trí, âm nhạc, ứng xử, giao tiếp với công chúng… Đó chính là ghi nhận những sáng tạo văn hóa của cộng đồng đã không ngừng được tiếp nối và được bảo vệ, giữ gìn cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, hiện nay, không ít quan điểm đánh đồng việc UNESCO vinh danh thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với vinh danh riêng “hầu đồng”. Hầu đồng chỉ là một phần, một bộ phận trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Nếu hiểu theo cách này, vô hình trung lại cổ súy cho riêng nghi thức hầu đồng vốn trong nhiều năm nay đã bị biến tướng một cách khó kiểm soát mang nặng màu sắc mê tín, dị đoan ở nhiều nơi. Vậy, bản chất của hầu đồng là gì và làm sao kiểm soát để nghi thức độc đáo này không bị biến tướng và trục lợi?

“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hoá cần được bảo vệ khẩn cấp gồm: Nhã nhạc - Nhạc Cung đình triều Nguyễn (2003), Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Hát Ca Trù của người Việt (2009), Dân ca Quan họ (2009), Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng (2010), Hát Xoan Phú Thọ (2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012), Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013), Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghi lễ và Trò chơi Kéo co (2015 (Hồ sơ đa quốc gia, hợp tác với: Hàn Quốc, Campuchia và Philippines).
Cảnh Vũ – Phan Hoạt
.
.
.