400 nghệ sĩ hội ngộ tại Đêm tôn vinh “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương”
Tối 13-1, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP Hồ Chí Minh) đã diễn ra Chương trình giao lưu, biểu diễn và tôn vinh “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương”.
Đây là hoạt động chính nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương tại TP Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 17-12-2018 đến ngày 14-1-2019. Đồng thời, đêm tôn vinh cũng là sự kiện văn hóa quan trọng thuộc khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 320 năm thành lập Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định – TP Hồ Chí Minh.
Đến dự có đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh … cùng đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố; các thế hệ nghệ sĩ cải lương và đông đảo công chúng mộ điệu.
Chương trình tôn vinh những nghệ sĩ lão thành, NSND, NSƯT, các thế hệ soạn giả, đạo diễn, gia tộc cải lương, họa sĩ, hóa trang… gắn bó với chặng đường 100 năm phát triển của nghệ thuật cải lương. |
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nghệ thuật cải lương là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống người dân vùng đất Nam bộ, được ra đời dựa trên sự kế thừa tinh hoa của loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc như: hát bội, đờn ca tài tử... và tiếp thu những cái hay từ bên ngoài của kịch nghệ phương Tây, được nhân dân nuôi dưỡng và bảo tồn.
Qua một thế kỷ hình thành và phát triển, cải lương vẫn giữ nguyên bản chất và không ngừng đổi mới, cách tân, không chỉ đơn thuần là loại hình nghệ thuật truyền thống mà còn đóng vai trò như một sản phẩm văn hóa đặc thù cổ vũ cho cái chân - thiện - mỹ, góp phần giáo dục truyền thống và nhân cách con người. Các thế hệ nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật, các đơn vị xã hội hóa đã góp phần vào công cuộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật cải lương”.
Trích đoạn "Lấp sông Gianh". |
Chương trình đã điểm lại quá trình hình thành, phát triển và các giai đoạn thăng trầm của nghệ thuật cải lương từ giai đoạn sơ khai cho đến thời kỳ phát triển hoàng kim 1955 – 1990 với hàng trăm đoàn hát và thời kỳ sân khấu xã hội hóa hiện nay. Nghệ thuật cải lương còn gắn liền với hai cuộc kháng chiến oai hùng của dân tộc, góp phần hun đúc lòng yêu nước, kêu gọi lớp lớp thanh niên lên đường. Nhiều hình ảnh tư liệu quý giá cùng với sự dàn dựng công phu đã góp phần tái hiện lịch sử 100 năm hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương.
Đêm tôn vinh nghệ thuật cải lương được dàn dựng hoành tráng, với sự tham gia biểu diễn của hơn 400 nghệ sĩ, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng như NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thanh Kim Huệ… Họ cùng tái dựng lại quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương 100 năm qua qua các tiết mục ca cổ và trích đoạn kinh điển như: “Lấp sông Gianh”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Bánh bông lan”…
Các nghệ sĩ trình diễn trích đoạn vở cải lương "Thái hậu Dương Vân Nga" tưởng nhớ cố NSƯT Thanh Nga. |