15 tỷ đồng làm phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du”

Chủ Nhật, 06/12/2020, 09:32
Chiều 5/12, Bảo tàng Báo chí Việt Nam và Công ty cổ phần Không gian Văn hóa Việt đã công bố dự án phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du”.


Phim do nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn chủ biên kịch bản, Nguyễn Văn Đức đạo diễn, sản xuất theo kịch bản của nhóm tác giả gồm TS Phạm Xuân Mừng, Lương Xuân Trường, Trần Đình Tuấn, Nguyễn Văn Đức và có sự cố vấn của một đội ngũ hùng hậu gồm Vương Trọng, Hoàng Khôi, Hà Văn Thạch, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Huy Toàn, Phạm Quang Ái...

“Đại thi hào Nguyễn Du” có vốn đầu tư sản xuất lên đến 15 tỷ đồng và toàn bộ số tiền này đều được huy động từ nguồn xã hội hóa. Phim bao gồm 3 phần, mỗi phần 80 phút: Gia thế và tuổi thơ, Phong trần và thơ ca, Truyện Kiều và lan tỏa. 

Phim bắt đầu được sản xuất vào năm 2018. Hiện tại, phần 1 “Gia thế và tuổi thơ” vừa được hoàn thành, chiếu và lấy ý kiến của người xem tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh, quê hương Đại thi hào Nguyễn Du. Theo đó, Nguyễn Du sinh ra trong một đại gia đình quý tộc, bố là tể tướng Nguyễn Nghiễm, mẹ là bà Trần Thị Tần xinh đẹp đoan trang, giỏi hát quan họ. 
Đoàn làm phim giao lưu tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Nguyễn Du sớm được học hành, giáo dục theo nhãn quan, nhận thức của giới phong lưu, thượng tầng xã hội. Cậu bé Nguyễn Du thời ấy đã được thực hiện các nghi lễ truyền thống quan trọng bậc nhất đối với một cậu ấm, đối với một hạt giống nhân tài quốc gia. 

Lúc 3 tuổi ông được tập ấm chức Hoằng Tín Đại phu, xuất thân là Thành Môn Vệ Úy, tước Thu Nhạc bá. Với hàm chức ấy, Nguyễn Du đã đứng trong hàng ngũ sĩ tịch của triều đình nhà Lê, mặc dù chưa phải là một vị quan tại chức. Lên 6 tuổi ông được Viện Quận công Hoàng Ngũ Phúc đến dinh thự Tể tướng Nguyễn Nghiễm trao tặng thanh Bảo kiếm - một nghi lễ khích lệ dũng khí cho các bậc đại trượng phu tương lai và cùng năm này, ông được học chữ Hán, được học sách thánh hiền. 

Năm 1771, Nguyễn Du được về quê, chứng kiến đời sống nông thôn dân dã... Không gian kinh kỳ Thăng Long, Văn hóa Cung đình, Văn hoá Quan họ, truyền thống Phật giáo Bắc Ninh, đời sống làng quê Nghi Xuân đã làm nên hồn cốt Cậu Chiêu Bảy – cậu ấm con tiến sĩ, con quan lớn. 

Tuy nhiên, từ năm 11 – 15 tuổi, cha mẹ mất sớm, anh Nguyễn Khản bị dính vào vụ án Canh Tý và bị bắt..., đại gia đình lâm vào cảnh suy tàn do những chính biến lịch sử, Nguyễn Du được anh trai Nguyễn Nễ gửi về Thái Bình ở cùng một người bạn Đoàn Nguyễn Tuấn (sau là anh vợ). Ông mất chỗ dựa cuối cùng cả vật chất lẫn tinh thần, tâm trạng hẫng hụt, chơi vơi, hoang mang như thân phận nàng Kiều: “Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường”…

Theo ê kíp thực hiện, “Đại thi hào Nguyễn Du” là phim tài liệu nghệ thuật (tài liệu có yếu tố truyện) về thân thế, sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Du. Các nhà làm phim mong muốn truyền tải những góc nhìn đa chiều về một vĩ nhân của dân tộc được sinh từ giáo dục truyền thống, từ môi trường văn hoá các dòng họ, từ sự kế thừa tinh hoa Nho học cùng triết lý nhân bản dân gian Việt. Qua đó, khán giả tự hào về ông, tự hào về các giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật thuần Việt mà ông đã đóng góp cho dân tộc Việt.  

Bộ phim đặc biệt khai thác khía cạnh giáo dục gia đình, vai trò to lớn của bà cả Đặng Thị Dương, mẹ ruột Trần Thị Tần đối với Nguyễn Du và phản ánh vai trò to lớn của phụ nữ trong giáo dục truyền thống Việt Nam. Phim khai thác văn hóa dòng họ Nguyễn Tiên Điền với đạo Tích thiện làm nên hồn cốt Nguyễn Du sau này. 

Phim còn khai thác truyền thống giáo dục, học hành trong gia tộc Nguyễn Tiên Điền; văn hóa dòng họ Trần, ảnh hưởng đến tư duy sáng tác văn học của Nguyễn Du; bản tính thiện lành, thông qua các bài giảng “Lên chùa lễ Phật” của bà ngoại, mẹ ruột trong không gian văn hóa Phật giáo Bắc Ninh…

N.H.
.
.
.