Cán bộ Sở nhận hối lộ giúp “chuyên gia dỏm” nhập cảnh trái phép

Thứ Bảy, 27/08/2022, 06:30

Ngày 26/8, TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử sơ thẩm 6 bị cáo trong đường dây tiếp tay cho hàng loạt “chuyên gia dỏm” nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép, trong đó có Nguyễn Văn Phong, cán bộ Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng.

Theo cáo trạng, khoảng tháng 8/2020, thông qua nhóm người Hàn Quốc tại Đà Nẵng, Lê Xuân Thành (SN 1984, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) biết được một số công dân Hàn Quốc đã nhập cảnh theo diện du lịch và doanh nghiệp sắp hết hạn thị thực, nhưng có nhu cầu muốn ở lại Việt Nam lâu dài.

8-2.jpg -0
Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 26/8.

Thành đã sử dụng pháp nhân hai doanh nghiệp do mình đăng ký là Công ty TNHH Phi Anh Pro và Công ty TNHH TM&DV Patour để bảo lãnh cho 7 người Hàn Quốc nhập cảnh dưới hình thức chuyên gia, hoặc nhà đầu tư nhằm hưởng lợi. Thực tế, tất cả những người nhập cảnh không phải là chuyên gia lao động hoặc nhà đầu tư, không thuộc đối tượng ưu tiên được nhập cảnh trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Thành đã giới thiệu Kim Yeon Ho, một công dân Hàn Quốc đã nhập cảnh và có nhu cầu ở lại Đà Nẵng đến gặp Nguyễn Trần Anh Tuấn (SN 1987, quê Bình Thuận, tạm trú tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng, giám đốc 3 DN “ma”) để nhờ Tuấn làm hồ sơ xin cấp giấy phép lao động và thẻ tạm trú. Tuấn nhờ nhân viên là Tô My Hồng Anh (SN 1989, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) mua giúp giấy chứng nhận chuyên gia giả của đối tượng qua mạng xã hội.

Sau đó Tuấn mang đi dịch và chứng thực, đồng thời phối hợp với Thành giả mạo chữ ký và lợi dụng con dấu của một doanh nghiệp khác để hoàn tất hồ sơ. Tiếp đó, Tuấn nộp vào tại Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng qua hình thức trực tuyến. Sau khi có giấy phép lao động, Tuấn nhờ người làm thẻ tạm trú loại LĐ2 cho Kim Yeon Ho với giá 300 USD.

Cũng với phương thức trên, Thành đã móc nối với Nguyễn Thị Phương Lan, nhân viên tư vấn dịch vụ tại Công ty Visa 24H để xin giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho 19 trường hợp với giá 800 USD/người. Lan đã nhờ một người ở Hà Nội (không rõ lai lịch) làm giấy phép lao động. Đến khi có giấy phép lao động thì Thành chuyển phát nhanh vào cho Lan. Giá hai bên thỏa thuận là 450 USD/giấy phép lao động. Sau khi có giấy phép lao động, Lan nhờ người làm thẻ tạm trú loại LĐ2 với giá 300 USD/thẻ tạm trú. Lan còn liên lạc thỏa thuận với Lê Văn Thoại (SN 1990, trú tại TP Hồ Chí Minh) giá xin giấy phép lao động cho một trường hợp với giá 400 USD.

Sau khi có hồ sơ, Thoại liên hệ với Nguyễn Thành Nam (SN 1985, lái xe của một công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh) làm giả sao y bản chính của Phòng Tư pháp quận 10, TP Hồ Chí Minh vào giấy chứng nhận chuyên gia, lý lịch tư pháp của các “chuyên gia dỏm” với giá 120.000 đồng/hồ sơ.

Tương tự, từ tháng 10/2018 đến tháng 5/2021, Thoại nhiều lần cấu kết với Lan, Phong, Nam cùng với giám đốc doanh nghiệp khác bảo lãnh “chuyên gia dỏm” và thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau.

Để làm các hồ sơ nộp tại Đà Nẵng, Thoại mua của các đối tượng trên mạng xã hội Giấy chứng nhận chuyên gia, lý lịch tư pháp giả. Sau đó, Thoại liên hệ với Nam đóng dấu sao y bản chính giả của Phòng Tư pháp quận 10, TP Hồ Chí Minh vào giấy chứng nhận chuyên gia, lý lịch tư pháp… 

Việc xét duyệt hồ sơ chấp thuận theo mẫu 01 tại Phòng Việc làm và An toàn lao động (nay là Phòng Chính sách - Việc làm) thuộc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng do Nguyễn Văn Phong, cán bộ trực tiếp nhận giải quyết. Các hồ sơ ban đầu duyệt chấp thuận theo mẫu 01, Thoại nộp tại Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng bị trả hồ sơ liên tục vì nhiều lý do như đi kiểm tra thực tế không thấy trụ sở công ty, giải trình không hợp lý... Qua tìm hiểu, Thoại biết được người xét duyệt các hồ sơ của mình là Phong.

Để thuận lợi trong việc làm hồ sơ của mình, Thoại đã ra Đà Nẵng tìm gặp Phong để làm quen. Thoại tặng Phong 1 giỏ quà Tết (gồm trà, bánh, mứt) nhưng sau đó Phong vẫn tiếp tục trả hồ sơ của Thoại. Thấy vậy, tháng 4/2019, Thoại hẹn Phong đến ăn nhậu ở một quán trên đường Duy Tân, quận Hải Châu, Đà Nẵng) và gợi ý sẽ gửi Phong tiền bồi dưỡng trong quá trình làm hồ sơ. Từ đó, mỗi khi hồ sơ giải quyết xong, Thoại đã ra Đà Nẵng để đưa tiền cho Phong hoặc chuyển khoản mỗi lần từ 10-16 triệu đồng. Tổng số tiền Thoại hối lộ được xác định là 79 triệu đồng. Mỗi lần chuyển khoản xong, Thoại đều gọi thông báo và cảm ơn Phong. Năm 2021, Phong không làm xét duyệt hồ sơ xin cấp giấy phép lao động nữa nên Thoại ngừng chuyển tiền…

HĐXX xác định, trong vụ án này, các bị cáo Thoại, Thành, Lan, Tuấn đã cấu kết, nhiều lần tổ chức cho nhiều người có quốc tịch nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép. Trong đó, Thoại tổ chức cho 127 người, thu lợi trên 398 triệu đồng; Thành tổ chức cho 22 người, thu lợi 94 triệu đồng; Lan tổ chức cho 20 người, thu lợi 46 triệu đồng; Tuấn tổ chức cho 4 người, thu lợi trên 18 triệu đồng. Thoại nhiều lần thuê Nam làm giả 297 tài liệu (196 giấy chứng nhận chuyên gia, lý lịch tư pháp và 101 giấy khám sức khỏe giả), giúp Nam thu lợi trên 74 triệu đồng.

Sau khi xem xét, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên bị cáo Lê Văn Thoại 7 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”; 2 năm 6 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và 1 năm tù tội “Đưa hối lộ”, tổng hợp hình phạt 10 năm 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Văn Phong mức án 3 năm tù tội “Nhận hối lộ”; bị cáo Nguyễn Thành Nam mức án 2 năm 6 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Các bị cáo: Lê Xuân Thành mức án 8 năm tù, Nguyễn Thị Phương Lan mức án 6 năm 6 tháng tù và Nguyễn Trần Anh Tuấn mức án 5 năm tù cùng về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”. HĐXX tuyên phạt bổ sung bằng tiền đối với các bị cáo và thu toàn bộ số tiền liên quan mà các bị cáo đã nhận.

Thân Lai
.
.
.