Ngăn chặn kịp thời các nhóm người nước ngoài nhập cảnh trái phép
Thượng tá Võ Chiến Thắng - Phó trưởng Phòng QLXNC Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, bắt giữ 124 đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Thủ đoạn chính của bọn chúng là cấu kết cùng nhiều đối tượng môi giới người Việt Nam, hoặc lợi dụng quan hệ yêu đương qua mạng xã hội nhằm nhập cảnh trái phép. Phần lớn các đối tượng nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở các tỉnh giáp biên giới phía Bắc.
Nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, chúng chia thành nhiều nhóm nhỏ, nhiều đợt để di chuyển vào TP Hồ Chí Minh; có trường hợp tiếp tục di chuyển đến các tỉnh biên giới như Tây Ninh, Long An,… để sang Campuchia tìm kiếm việc làm. Thời gian di chuyển chủ yếu vào ban đêm, xe chạy suốt từ các tỉnh thành phía Bắc vào TP Hồ Chí Minh. Phương tiện chúng di chuyển gồm: xe máy, ôtô (loại 4 chỗ, 7 chỗ). Bởi lẽ, nếu đi máy bay hoặc tàu thì chúng sẽ bị lộ danh tính của mình tại Việt Nam.
Sau khi đến TP Hồ Chí Minh, bọn chúng thuê nhà chung cư, căn hộ, khách sạn… để ở tập thể chờ người môi giới tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, chúng thường xuyên thay đổi địa điểm sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Do vậy, đã gây không ít khó khăn cho cơ quan QLXNC. Điều lưu ý, tình trạng nhiều căn hộ chung cư mới cho thuê qua hình thức dùng app qua mạng để cung cấp thông tin và trả tiền thuê. Chủ các căn hộ này giao lại chìa khóa cho BQL chung cư, rồi các đối tượng thuê đến lấy chìa khóa vào trong sinh sống.
Nhóm đối tượng nhập cảnh trái phép vào TP Hồ Chí Minh bị bắt giữ. |
Điển hình, qua công tác rà soát các đối tượng người nước ngoài đang lưu trú ở Việt Nam vào trung tuần tháng 5/2021, Phòng QLXNC Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện một đối tượng người Trung Quốc sinh sống tại căn hộ chung cư (thuộc phường 6, quận 4) đã quá hạn thời gian lưu trú. Tuy nhiên, đối tượng này không chịu khai báo với cơ quan chức năng. Do vậy, Phòng QLXNC Công an TP Hồ Chí Minh phải tập trung xác minh đối tượng, phòng ngừa hoạt động phạm tội hoặc có thể làm lây lan dịch bệnh tại Việt Nam.
Ngay sau đó, Phòng QLXNC Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện đối tượng này thuê căn hộ cho các đối tượng người Trung Quốc khác gồm: Zhou Wei (SN 1993), Zha Xin (SN 1992) và Dang Jun Lin (SN 1989) sinh sống. Cả 3 đối tượng này nghi vấn nhập cảnh trái phép. Theo đó, ngày 17/5, Phòng QLXNC Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Công an quận 4 tiến hành kiểm tra đồng loạt các căn hộ tại chung cư trên. Khi Công an mời các đối tượng trên về trụ sở làm việc, cả nhóm bước đầu khai nhận, đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch tại các tỉnh biên giới phía Bắc rồi tiếp tục di chuyển vào TP Hồ Chí Minh.
Ngày 12/5, Phòng QLXNC Công an TP Hồ Chí Minh nhận được thông tin từ một người Trung Quốc tên Dong Haiqun (SN 1993, nhập cảnh trái phép do Công an quận 1 phát hiện) cung cấp về một địa điểm có nhóm người nước ngoài nhập cảnh trái phép cư trú. Đối tượng này đã trốn khỏi nơi cùng 3 đồng bọn khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đang sống để tìm kiếm việc làm do Dong Haiqun có mâu thuẫn với nhóm nên phải bỏ trốn.
Đến chiều tối 18/5, Phòng QLXNC Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công an huyện Nhà Bè kiểm tra căn biệt thự trên, phát hiện Lin Zheshi (SN 1979); Lin Hangzhou (SN 1994); Gao Cide (SN 1990) và Chu Thị Kiều Mi (SN 1997, ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai). Qua điều tra, Lin Hangzhou thừa nhận đã nhập cảnh trái phép qua đường bộ biên giới phía Bắc từ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), ngày 21/3/2021 vào Việt Nam với mục đích tìm việc làm. Lin Hangzhou được đưa vào TP Hồ Chí Minh bằng ôtô và được bố trí ở tại căn nhà trên từ ngày 25/4/2021 cho đến khi bị phát hiện. Các đối tượng còn lại cũng nhập cảnh trái phép và đến tá túc tại căn biệt thự trên.
Các đối tượng này còn khai nhận việc đưa đón, bố trí người ở tại đây do Lin Jieneng (SN 1993) đứng ra điều hành, quản lý. Qua điều tra, cơ quan Công an cũng xác định, Lin Zheshi nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực ký hiệu DN1 do Công ty TNHH Du lịch Mặt trời đỏ (phường 15, quận 11) bảo lãnh.
Trong vụ việc này, do có quan hệ tình cảm yêu đương với Đới Thị Thùy Vi (SN 2000, ngụ huyện Dầu Tiếng, Bình Dương). Lin Jieneng nhờ Vi đứng ra thuê căn nhà trên của bà L. để ở cùng. Tiền thuê nhà và mọi chi phí khác đều do Lin Jieneng đưa cho Vi để chi trả cho bà L. Từ ngày 15 đến 30/4, lần lượt Lin Zheshi, Chu Thị Kiều Mi, Lin Hangzhou, Gao Cide và Dong Haiqun đã đến căn nhà trên để ở và không khai báo tạm trú. Do có quen biết với Vi, Mi được thuê để làm phiên dịch cho nhóm người Trung Quốc.
* Trung tá Ly Thế Đồng, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang cho biết, đối tượng Đinh Xuân Kiên (SN 1985, thường trú tại tỉnh Ninh Bình) bị bắt quả tang khi đang đưa 9 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam vào lúc 2h tại khu vục thành phố Hà Giang. Kiên không thể nhớ nổi bao nhiêu lần và đưa được bao nhiêu người nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa để đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi trường hợp đưa đón trót lọt, Kiên được trả từ 20 đến 30 triệu đồng tiền Việt Nam tuỳ theo thương lượng.
Khi kể về hành vi của mình, Kiên tỏ ra hối hận và bộc bạch: “Tôi biết việc làm của tôi là vi phạm pháp luật, vì suy nghĩ nông cạn và hám lợi, đến nay tôi đã hiểu hậu quả của mình làm không những vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch COVID ra cộng đồng. Tôi rất ân hận về việc làm của tôi và mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”.
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều vụ việc mà cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đang thụ lý, điều tra về hành vi tổ chức cho người xuất, nhập cảnh trái phép diễn ra trên địa bàn. Trên thực tế, các đối tượng phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, cách thức, thủ đoạn tinh vi, kín đáo; chúng bố trí đối tượng cảnh giới, lợi dụng công nghệ thông tin để chuyển tiền, chuẩn bị các nội dung đối phó với cơ quan chức năng.
Các đối tượng phạm tội không trực tiếp gặp, đưa dẫn đường trong quá trình di chuyển mà chỉ liên lạc qua Zalo, Facebook, Wechat… nhất là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Ngoài ra chúng lợi dụng địa bàn có đường biên giới dài, hiểm trở, nhiều đường mòn, móc nối các đối tượng sinh sống khu vực biên giới, lợi dụng đêm tối để đưa người xuất, nhập cảnh trái phép, gây nhiều khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm.
Đại uý Nguyễn Viết Hà, điều tra viên chia sẻ: Các đối tượng chủ mưu của các vụ việc thường sinh sống ở nước ngoài, không trực tiếp vào địa bàn, chủ yếu thông qua đầu mối là người dân trong nước; mặt khác, một số vụ án, người xuất, nhập cảnh trái phép là người nước ngoài, khi được trao trả về nước rất khó triệu tập, làm rõ. Tuy nhiên, với tinh thần kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm, cán bộ chiến sĩ của đơn vị luôn nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn đẩy nhanh tiến độ điều tra, giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.
“Thời gian qua, hoạt động phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh trái phép hoặc trốn ở lại Việt Nam trái phép; Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước nước ngoài, trốn ở lại nước ngoài trái phép trên địa bàn tỉnh Hà Giang diễn biến phức tạp. Trong 5 tháng đầu năm 2021, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã tiếp nhận, thụ lý, khởi tố điều tra 12 vụ với 34 bị can, hiện đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 5 vụ với 19 bị can” - Trung tá Ly Thế Đồng cho biết thêm.