Luật tiếp cận thông tin sẽ góp phần đẩy lùi tệ cửa quyền, tiêu cực

Thứ Bảy, 30/06/2018, 12:53
Ngày 1-7, Luật tiếp cận thông tin do Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực.

Việc ban hành luật này là một trong những bước tiến quan trọng nhằm thể chế hóa Hiến pháp về quyền con người; qua đó, vừa là cầu nối giữa người dân với cơ quan Nhà nước; vừa tác động, tạo sự minh bạch thông tin, góp phần đẩy lùi tệ cửa quyền, tiêu cực và phòng chống tham nhũng.

Khu "đất vàng" của một cơ quan nhà nước, thực hiện chủ trương di rời công sở ra khỏi trung tâm nội đô theo qui hoạch dãn dân; nhưng sau đó, khu  đất này lại được chuyển nhượng cho doanh nghiệp để xây dựng những tòa nhà chọc trời, thu hút gấp 10 đến 15 lần số dân vào nội thành.

Chủ trương ở đâu, giá chuyển nhượng bao nhiêu, đó là "bí mật" mà người dân khó có thể  tiếp cận được! Đây chính là mảnh đất "màu mỡ" cho tệ tham nhũng, tiêu cực hoành hành.

Theo qui hoạch, một  khu dân cư  sẽ bị thu hồi đất để mở đường, ai mất đất, ai ra mặt đường là một "ẩn số" mà chỉ có những người làm qui hoạch, những cán bộ lãnh đạo mới biết được. Thông tin  sẽ được "nhóm lợi ích" chi phối để đầu cơ,  mua trước những mảnh đất mà tương lai sẽ ra mặt đường.

Sẽ còn nhiều, rất nhiều những trường hợp làm giàu nhờ độc quyền thông tin kiểu như vậy. Chúng tôi được biết, đa số những vụ việc khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận đều liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai như  thông tin về qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về áp dụng giá đền bù khi thu hồi đất... mà điển hình là việc qui hoạch dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh.

Rất nhiều thông tin, lẽ ra người dân phải biết, báo chí có thể tiếp cận, nhưng nó lại được "ẽm đi", nhiều văn bản được núp dưới con dấu "mật", mặc dù, nội dung của những văn bản đó không liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật đời tư, v.v...

Tất cả những trường hợp nêu trên, hy vọng sẽ chấm dứt kể từ ngày 1-7-2018, khi Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực thi hành.

Theo qui định của luật này, người dân sẽ chuyển từ tâm thế "thụ động" sang "chủ động" tiếp cận thông tin. Theo đó, có hai cách để tiếp cận. Cách thứ nhất là tự do tiếp cận thông tin. Với cách này, cơ quan nhà nước được yêu cầu phải công khai thông tin, bao gồm: các văn bản qui phạm pháp luật; thông tin hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước; dự thảo văn bản qui phạm pháp luật; nội dung và kết quả trưng cầu, tiếp thu ý kiến của nhân dân; chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch; thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công...

Cách thứ hai, người dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin theo những vấn đề mà người dân quan tâm. Tuy nhiên, cũng có những thông tin mà người dân không  được tiếp cận bao gồm: thông tin thuộc bí mật nhà nước; hoặc được tiếp cận có điều kiện, khi có sự cho phép của người tổ chức, cá nhân liên quan, như thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình, bí mật kinh doanh...

Luật tiếp cận thông tin cũng qui định các hành vi bị nghiêm cấm như: cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ; trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin; cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực...

Để Luật tiếp cận thông tin được thực hiện một cách nghiêm túc và thống nhất, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23-1-2018 qui định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin.

Theo chúng tôi, việc thực hiện nghiêm túc Luật tiếp cận thông tin sẽ đem lại lợi ích cho cả người dân và cơ quan Nhà nước. Người dân thì có thể kiểm soát được hoạt động của cơ quan công quyền; còn cơ quan Nhà nước thì cũng chủ động đưa thông tin tới người dân, giúp người dân hiểu các qui định của pháp luật, hợp tác với cơ quan Nhà nước.

Đào Minh Khoa
.
.
.