Bổ sung mới 3 trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự

Thứ Bảy, 17/03/2018, 09:41
Xuất phát từ tầm quan trọng của những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong chính sách hình sự của Nhà nước ta cũng như số lượng các trường hợp này, BLHS năm 2015 đã dành một chương riêng (Chương IV) để quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự; 

theo đó, cùng với việc tiếp tục quy định 4 trường hợp thuộc diện được loại trừ trách nhiệm hình sự như BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 bổ sung 3 trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự, đó là:

- Thứ nhất, gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24)

Xuất phát từ tính tích cực của hành vi bắt giữ người phạm tội nên để tạo cơ sở pháp lý bảo vệ, khuyến khích mọi người tham gia đấu tranh chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, BLHS năm 2015 đã bổ sung Điều 24 quy định việc sử dụng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ khi bắt giữ người phạm tội thì thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự. 

Tuy nhiên, cần lưu ý là theo quy định của Điều luật, không phải mọi trường hợp gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội điều được loại trừ trách nhiệm hình sự mà chỉ được loại trừ đối với thiệt hại gây ra cho người bị bắt, còn thiệt hại gây ra cho người khác thì không được loại trừ và việc gây thiệt hại cho người bị bắt chỉ trong giới hạn là cần thiết. 

Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự về một tội phạm tương ứng khi thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm đó.

- Thứ hai, rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ (Điều 25)

Một trong những định hướng lớn xây dựng BLHS năm 2015 là thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển, mà muốn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển được thì việc áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến có vai trò rất quan trọng. 

Mặt khác, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi sự năng động, sáng tạo trong sản xuất, trong nghiên cứu, thử nghiệm, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của xã hội. Trong quá trình đó sẽ không tránh khỏi những trường hợp rủi ro xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản. 

Việc BLHS năm 2015 bổ sung quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế tri thức, thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển.

Tuy nhiên, cũng theo quy định tại Điều 25 BLHS năm 2015 thì hành vi gây thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới chỉ được coi là rủi ro và người gây ra rủi ro đó không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm và đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa hậu quả xảy ra. 

Trường hợp không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa hậu quả có thể xảy ra, gây thiệt hại cho xã hội thì người thực hiện hành vi này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Thứ ba, thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (Điều 26)

Theo quy định này thì người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên không phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ ba điều kiện sau đây: 

(1) mệnh lệnh đó phải là mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân, tức là trong lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân; (2) việc thi hành mệnh lệnh đó là để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; (3) đã thực hiện đẩy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó.

Hữu Thành
.
.
.