Xuất khẩu thủy sản đầu năm khởi sắc

Thứ Năm, 22/02/2024, 08:24

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu (XK) của ngành sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm với kim ngạch XK hồi phục trở lại mức 9,5 - 10 tỷ USD. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản khai thác khoảng 3,6 - 3,8 tỷ USD.

Trong năm 2023, XK thủy sản của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều gặp khó khăn. Top 5 thị trường gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc – HK, EU và Hàn Quốc đều bị sụt giảm từ 11-28% so với năm 2022. Về sản phẩm, những mặt hàng chính là tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm 16-20%. XK mực, bạch tuộc giảm 20% và nhuyễn thể có vỏ (nghêu, sò, ốc…) giảm 14%. Mặc dù XK cả năm 2023 giảm, nhưng dấu hiệu dần hồi phục từ những tháng cuối năm đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

dau nam.jpg -0
Xuất khẩu thủy sản trong tháng đầu năm 2024 tăng mạnh.

Ngay tháng đầu năm 2024, XK thủy sản đã bứt phá, đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023, là dấu hiệu khả quan cho XK thủy sản trong năm 2024. Tuy nhiên, cũng ngay trong trong thời điểm đầu năm, những căng thẳng trên Biển Đỏ đã gây không ít khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa XK khi cước vận tải tăng cao, đặc biệt là giá cước vận tải biển đi sang một số thị trường XK trọng điểm tăng mạnh như Hoa Kỳ, EU (tăng 30%),… dẫn đến giá bán đến tay khách hàng đẩy lên cao, khiến doanh nghiệp (DN) XK gặp khó khăn về đơn hàng. Việc vận chuyển kéo dài gây chậm trễ giao hàng cũng khiến DN phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng đến đối tác. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội VASEP nhìn nhận, căng thẳng Biển Đỏ chưa biết kéo dài đến bao lâu, nên ngoài tác động làm tăng chi phí còn có những hệ lụy đi kèm. Đây là vấn đề cộng đồng DN đang rất quan tâm.

Ngoài ra, mặt hàng tôm Việt Nam cũng đang bị Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp, nên khả năng XK tôm của Việt Nam sang thị trường này sẽ bị ảnh hưởng. Về việc này, Hiệp hội VASEP đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ đối với ngành tôm Việt Nam, để ngành tôm có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới.

Một trong những điểm sáng trong năm 2024 là thị trường Hàn Quốc. Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết và có hiệu lực từ cuối năm 2015, XK thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc tăng từ 585 triệu USD (năm 2015) lên 787 triệu USD (năm 2023), tăng 35%. Trong giai đoạn này, các sản phẩm thủy sản XK sang Hàn Quốc đều tăng trưởng mạnh: tôm tăng 37%, mực và bạch tuộc tăng 51%. Riêng năm 2023, tôm XK sang Hàn Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất với 43,6%, tiếp đó mực, bạch tuộc chiếm 31,4%...

Vụ xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản đã làm ảnh hưởng đến việc NK hải sản của Hàn Quốc và Trung Quốc từ Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc lại là nguồn cung mực, bạch tuộc lớn nhất cho thị trường Hàn Quốc, nên XK mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng trưởng dương trong quý I/2024 khi lệnh cấm NK hải sản Nhật Bản vào Trung Quốc vẫn chưa được dỡ bỏ.

Riêng mặt hàng tôm của Việt Nam XK vào Hàn Quốc thì đang bị vướng quy định về hạn ngạch. Về việc này, Hiệp hội VASEP đã có kiến nghị gửi Chính phủ và Bộ Công thương quan tâm và chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam XK vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại VKFTA tại kỳ rà soát trong năm 2024. Bởi lượng tôm Việt Nam XK vào Hàn Quốc đã vượt xa mức hạn ngạch cho phép (15.000 tấn/năm, thuế NK 0%), và thực trạng các nhà nhập khẩu Hàn Quốc phải “đấu thầu” để có hạn ngạch nhập tôm Việt Nam với chi phí không nhỏ, 14-16% giá trị lô hàng.

Tại Hàn Quốc, nhu cầu đối với thực phẩm nấu chín, chế biến và bảo quản sẵn đang tăng nhanh chóng. Xu hướng tiêu dùng thủy sản ở Hàn Quốc có sự thay đổi theo hướng giảm chi tiêu của người tiêu dùng (NTD) lại và đây là cơ hội để thủy sản Việt Nam đẩy mạnh XK những sản phẩm thủy sản có mức giá phù hợp. Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của Hiệp hội VASEP, để có thể “tăng tốc” XK sản phẩm thủy sản sang thị trường Hàn Quốc, cũng như chinh phục được NTD ở thị trường này, các sản phẩm cần phải đảm bảo yếu tố chất lượng, hương vị, có sự ổn định trong sản xuất. Đặc biệt, phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn trong khâu chế biến, lưu thông, và DN cần nắm bắt, hiểu rõ nhu cầu và thị hiếu của NTD.

Thúy Hà
.
.
.