Dư địa lớn cho ngành xuất khẩu thủy sản tại thị trường Trung Quốc

Thứ Hai, 20/11/2023, 08:22

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2023 xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam sang nhiều thị trường gặp khó khăn, XK thu hẹp, nhưng với thị trường Trung Quốc thì đang ngày càng giữ vị trí quan trọng, có nhiều triển vọng và dư địa rất lớn đối với các doanh nghiệp (DN) XK thủy sản.

Trung Quốc nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu (NK) thủy sản Việt Nam, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản. Năm 2023, cũng như nhiều thị trường khác, XK thủy sản sang Trung Quốc gặp những vấn đề như: giá giảm, lượng tồn kho cao… khiến kim ngạch XK sụt giảm mạnh. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thủy sản XK sang Trung Quốc đạt 1 tỷ USD (giảm 18% so cùng kỳ). Những mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất là cá tra (chiếm 40%) và tôm (chiếm 38%) cũng đều bị giảm lần lượt là 27% và 8%. Tuy nhiên, nhiều DN Việt xác định Trung Quốc tiếp tục sẽ là thị trường tiềm năng trong thời gian tới.

Dư địa lớn cho ngành xuất khẩu thủy sản tại thị trường Trung Quốc -0
Doanh nghiệp thủy sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng.

Theo phân tích của bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông VASEP, năm 2023 và những năm tới, có một số yếu tố thuận lợi, mang lại cơ hội và dư địa cho thủy sản Việt Nam tại Trung Quốc như: Dịch COVID-19 đã chấm dứt, giao thương của Trung Quốc với thế giới hoàn toàn bình thường. Kinh tế Trung Quốc đang có tín hiệu tích cực và nhu cầu thủy sản tại thị trường này đang hồi phục. Ngoài ra, vị thế địa lý, chi phí logistic giảm và ít hơn so với các nước khác là điều kiện thuận lợi cho các DN Việt Nam XK sang Trung Quốc. Trung Quốc ngừng NK thủy sản từ Nhật Bản, sẽ thay thế bằng các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam…

Mặt khác, một số chuyển dịch trong đầu tư kinh tế ở Trung Quốc cũng được coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam. Dường như các ngành kinh tế siêu lợi nhuận và sinh lợi cao được quan tâm đầu tư nhiều hơn, do vậy đầu tư cho nuôi trồng thủy sản giảm, XK thủy sản của Trung Quốc cũng giảm dần trong những năm gần đây. Do vậy các chuyên gia kinh tế đánh gia Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản NK, giống như mô hình các nước phương Tây.

Ngoài thị trường Trung Quốc, thì Đức cũng là thị trường XK ổn định, đầy tiềm năng khi nhiều tháng liên tục ghi nhận mức tăng trưởng dương. Tính đến giữa tháng 10/2023, kim ngạch XK cá tra sang Đức đạt hơn 30 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp hơn 1/5 vào tổng NK cá tra của EU từ Việt Nam. Đáng chú ý, riêng tháng 9/2023, XK cá tra sang thị trường này ghi nhận mức giá trị cao nhất trong 2 năm trở lại đây, với kim ngạch tăng 149% so với tháng 9/2022. Đến giữa tháng 10/2023, XK cá tra sang Đức đạt kim ngạch gần 2 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Điều đó cho thấy, cơ hội XK cá tra của Việt Nam sang thị trường này vẫn tốt, nhất là vào thời điểm cuối năm khi mùa lễ hội bắt đầu và nhu cầu từ lĩnh vực dịch vụ tăng cao.

Dự báo tình hình XK trong thời gian tới vẫn còn gặp không ít khó khăn, trong khi đó, DN vừa bị áp lực giảm đơn hàng tại thị trường XK, vừa gặp khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.

Vì vậy, để hỗ trợ DN, Hiệp hội VASEP kiến nghị cơ quan chức năng tháo gỡ những vướng mắc cho DN gồm: Bất cập quy định liên quan đến việc áp trần chi phí lãi vay; vướng mắc trong phân loại bùn thải của nhà máy chế biến thủy sản; tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, định mức chi phí tái chế (Fs) còn rất cao đề nghị được điều chỉnh, để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của DN; Bất cập trong việc xác định cấp thẩm quyền cấp giấy phép môi trường cho nhà máy; về chính sách thuế TNDN đối với DN ngành thủy sản…

T.Hà
.
.
.