Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhìn từ trái xoài

Thứ Sáu, 02/09/2022, 07:30

Trong số 100 quốc gia có trồng xoài,Trung Quốc là nước có sản lượng lớn thứ 2 thế giới sau Ấn Độ, tuy nhiên thị trường này vẫn cần thêm nguồn cung từ Việt Nam. Đáp ứng nhu cầu của thị trường, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) - Bộ Công thương vừa phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức phiên tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) những thông tin cần thiết để xuất khẩu (XK) sản phẩm xoài sang thị trường tiềm năng này.

Hiện Trung Quốc đang nhập khẩu (NK) xoài từ các thị trường Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan, Australia, Peru. Trong đó, sản lượng xoài NK từ Việt Nam đang ngày càng tăng, chiếm đến 80% lượng xoài NK. Kim ngạch XK xoài Việt Nam sang Trung Quốc năm 2021 đạt 258 triệu USD xoài tươi và 47 triệu USD xoài sấy, nước ép. Năm 2022, tình hình  XK xoài gặp khó khăn, những tháng đầu năm chỉ đạt chưa đến 100 triệu USD.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, sản lượng xoài của Việt Nam hiện đang đứng thứ 13 trên thế giới, chủ yếu được XK sang các thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc… Với thị trường Trung Quốc, kim ngạch XK xoài năm nay có khả năng sẽ giảm mạnh do Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt dịch bệnh, nhiều xe chở xoài bị tồn đọng, không thông thương dễ dàng như trước. Năm 2022, Trung Quốc cũng đã ký nghị định thư cho phép xoài Campuchia xuất sang thị trường Trung Quốc nên xoài Việt Nam cũng sẽ bị áp lực cạnh tranh lớn.

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhìn từ trái xoài -0
Trái xoài Việt Nam xuất khẩu nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Để DN nắm rõ hơn thị trường XK, ông Vũ Tiến Hùng – Trưởng Văn phòng đại diện XTTM Việt Nam tại Hàng Châu - Trung Quốc thông tin, khu vực mà văn phòng đại diện XTTM Việt Nam tại Hàng Châu theo dõi phụ trách có 7 tỉnh, trong đó Thượng Hải, Chiết Giang, Giang Tô, là những nơi phát triển nhất Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc rộng lớn, nhưng khu vực NK hàng hóa không nhiều. Những khu vực này chuyên NK hàng hóa của các nước, sau đó phân phối lại cho hệ thống tiêu thụ. Chẳng hạn, Quảng Châu là Trung tâm NK sản phẩm chủ yếu phân phối cho cả khu vực phía Nam; còn ở phía Đông chủ yếu là Thượng Hải, Triết Giang, Giang Tô. Vì vậy, khi DN Việt Nam muốn XTTM thì cần tìm hiểu kỹ để tập trung cho hiệu quả.

Đặc biệt, khu vực Văn phòng đại diện XTTM Việt Nam tại Hàng Châu phụ trách có nhu cầu cao về NK nông sản, trái cây. Trong năm 2020, khu vực này NK từ Việt Nam 120 ngàn tấn mít, khoảng 170 ngàn tấn thanh long, hơn 100 ngàn tấn xoài... “Như vậy, rõ ràng thị trường có nhu cầu, còn việc tìm kiếm đối tác ở thị trường này và đối tác cần gì thì bản thân DN phải chủ động, nghiên cứu và sau đó tham vấn chúng tôi và chúng tôi có những những phương án để hỗ trợ”, ông Hùng nói.

Ông Diêu Lâm - Giám đốc dự án Xoài công ty hữu hạn hoa quả RunJia Trùng Khánh và ông Vương Lệ Quân – Tổng Giám đốc Công ty hữu hạn Hưng Hội Vinh (Hà Bắc – Trung Quốc) cho rằng, điểm yếu của một số loại trái cây khi NK sang thị trường Trung Quốc đó là vấn đề chất lượng như: Vỏ sản phẩm nhìn không bắt mắt (bị nám, có vết đen, không bóng...), thời gian lưu trữ đông lạnh quá lâu dẫn đến sản phẩm dễ hư hỏng, úng,… nên tỷ lệ trái cây tươi đảm bảo chất lượng còn lại rất thấp, có khi chỉ 30%.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Tiến Hùng cho rằng, mặt hàng trái cây không giống như những mặt hàng khác là đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, gửi đến nhà cung cấp là xong, mà DN XK còn phải kiểm soát nhiệt độ bảo quản, quá trình vận chuyển, đóng gói… Vì vậy, DN cần chú ý để tránh những rủi ro và ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác với các nhà NK. Ngoài ra, một số vấn đề DN cũng cần lưu ý khi XK sang thị trường Trung Quốc: Đó là khi DN Việt Nam đưa hàng sang chợ đầu mối bên Trung Quốc, thì phải có người cuả DN “ăn nằm” bên này để giám sát chất lượng sản phẩm, cập nhật thông tin giá cả, xem nhu cầu của họ là gì... chứ DN chỉ thông tin liên lạc mà không trao đổi trực tiếp thì rất khó có giao dịch hiệu quả; một điểm nữa, là phải xây dựng thương hiệu trái cây để DN mang thương hiệu ấy đi xúc tiến, giới thiệu; tại các Trung tâm, chợ đầu mối NK thì phương thức hợp tác cuả họ thay đổi rất nhiều, không còn phương thức truyền thống như ngày xưa là mua hàng trả tiền là xong.

Bây giờ các thương gia Trung Quốc có rất nhiều hình thức như: Ủy thác bán hàng, hợp tác nhà cung cấp để làm đại lý, tổng đại lý… như vậy nhà cung cấp cuả Việt Nam phải tìm hiểu kỹ để xây dựng cơ chế hợp tác; DN cũng cần lưu ý, khi làm ăn Trung Quốc, thông thường rất ít DN Trung Quốc tự làm các thủ tục NK mà khi họ đàm phán hợp đồng, đến cửa khẩu thực hiện các thủ tục thì họ ủy thác cho bên thứ 3 là dịch vụ khai báo Hải quan thực hiện.

Xoài hiện là một trong 11 mặt hàng trái cây được XK chính ngạch vào thị trường Trung Quốc với mức giá cạnh tranh. Ngoài ra, tại Việt Nam còn rất nhiều loại trái cây có nhu cầu NK chính ngạch vào thị trường Trung Quốc nên thủ tục để NK trái cây sang thị trường Trung Quốc rất được các DN quan tâm.

Thúy Hà
.
.
.