Xăng dầu tăng nóng, vận tải khốn đốn

Thứ Hai, 14/02/2022, 08:41

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hoạt động vận tải bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.  Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách, du lịch đều chuẩn bị tâm thế cố gắng “hoà vốn”. Thế nhưng, việc tăng giá xăng dầu liên tiếp như “tảng đá” nhấn chìm các kỳ vọng. Không ít chủ doanh nghiệp khi được hỏi đều ngao ngán thở dài: "Không phá sản mới lạ…!".

“Giá nguyên liệu tăng mà chúng tôi đâu dám tăng cước!”

Chiều 13/2, phóng viên Báo CAND gọi điện thoại trao đổi với một số doanh nghiệp vận tải về việc, giá xăng dầu tăng liên tiếp, liệu giá cước sẽ tăng bao nhiêu? Câu trả lời của các doanh nghiệp khiến chúng tôi khá bất ngờ: “Khách vắng lắm, tăng giá thì ai đi!”.

Ông Đỗ Hữu Bằng, đại diện hãng xe Sao Việt bày tỏ: Xăng dầu thời gian gần đây tăng khủng khiếp quá. Bình thường tiền nhiên liệu cho một chuyến xe chiếm khoảng 30%. Nay giá xăng tăng, đẩy chi phí xăng dầu chiếm tới 40-45% phí vận hành. Ngoài ra còn chi phí thuê lái xe, văn phòng bến bãi, thuế… Trong khi đó, tâm lý ngại dịch COVID-19 đã khiến lượng khách chọn đi phương tiện vận tải công cộng còn hạn chế. Trước khi xăng dầu tăng giá, mỗi chuyến xe Hà Nội - Lào Cai chỉ nhúc nhắc đón được 10 người. Với lượng khách này, trừ các chi phí, cố gắng co kéo thì doanh nghiệp lỗ khoảng 10- 20%. Giờ giá xăng tăng thêm, doanh nghiệp cũng không dám tăng giá cước, vì tăng nữa thì ai đi, chỉ còn biết “cắn răng” chịu lỗ mỗi ngày mà thấy tương lai mờ mịt.

Xăng dầu tăng nóng, vận tải khốn đốn -0
Nhiều doanh nghiệp vận tải lo phá sản vì giá xăng dầu tăng.

Cùng cảnh ngộ, đại diện Công ty TNHH XNK Thương mại và du lịch Havico chia sẻ: Bình thường công ty có hơn 23 xe hoạt động trong lĩnh vực chở khách du lịch. Hơn hai năm nay dịch xảy ra, có tới 90% xe nằm bãi. Cuối năm ngoái, do không trụ nổi, doanh nghiệp phải bán “sắt vụn” tới 14 xe, chỉ còn giữ 9 xe để duy trì hoạt động. Thế nhưng, khó khăn vẫn chồng chất. Vừa phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để lắp camera giám sát hành trình theo quy định, nay thêm giá xăng dầu tăng, khách thì không có, không hiểu doanh nghiệp sẽ sống sao.

Bình thường một chuyến xe 45 chỗ chạy tuyến Hà Nội - Mai Châu (Hoà Bình), đơn vị cho thuê với giá 7,5 triệu. Thế nhưng từ năm ngoái đến nay, thi thoảng mới có đơn vị hỏi thuê xe, và giá họ mặc cả chỉ là 5-6 triệu đồng/chuyến, trong khi giá xăng dầu tăng, mọi chi phí khác cũng tăng. “Giờ chạy xe giá rẻ thì lỗ, mà không chạy thì tiền bến bãi cũng lỗ, chúng tôi thật không biết bao giờ mới thoát cảnh lao đao này”, vị lãnh đạo Havico thổ lộ.

Tương tự, Giám đốc Công ty Taxi Mai Linh miền bắc Nguyễn Công Hùng cho rằng, dịch COVID-19 đã làm cho các doanh nghiệp taxi cạn lực, không còn đủ sức hỗ trợ cho người lao động. Giá xăng dầu tăng càng khiến lái xe mất thu nhập, ngại việc và bỏ việc. Nếu thời gian tới giá xăng dầu không giảm, buộc các doanh nghiệp taxi phải điều chỉnh giá cước, nhưng sẽ vấp phải tình cảnh lượng khách sụt giảm mạnh hơn. Đối với doanh nghiệp vận tải hàng hóa, xăng dầu chiếm tới 40% giá thành vận tải, xe chạy đường càng dài, quay vòng nhiều lần, càng đội thêm chi phí. Nhằm duy trì hoạt động trong "cơn bĩ cực" hiện nay, các doanh nghiệp phải cắt giảm tối đa chi phí và quy mô bộ máy.

Mong được giảm một số thuế, phí

Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên khẳng định, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động vận tải của các doanh nghiệp. Khi dịch bệnh chưa kịp lắng xuống, giá xăng tăng cao khiến doanh nghiệp thua lỗ nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản. Để duy trì hoạt động và bảo đảm hiệu quả kinh doanh, đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng các phương án điều chỉnh sao cho phù hợp với những biến động của thị trường.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, trước thực tế này, các doanh nghiệp vận tải phải tính toán nhiều khoản để cơ cấu ra giá thành vận tải, từ khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, lương lái xe, bộ máy quản lý và các loại thuế, phí, nhằm hạn chế tăng giá vé, cước vận tải; đồng thời, cân đối thu chi để xây dựng giá vé, cước phù hợp chi phí đầu vào. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ làm chậm quá trình phục hồi thị trường vận tải vốn đang hết sức èo uột. Vì vậy, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu. Hiện nay, mức thu thuế bảo vệ môi trường khá cao (3.800 - 4.000 đồng/lít xăng dầu). Để giảm mức ảnh hưởng đến nền kinh tế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, việc điều chỉnh giảm thu loại thuế này trong bối cảnh hiện nay sẽ không gây xáo trộn, tác động dây chuyền đến các lĩnh vực liên quan. Bên cạnh đó, có thể giảm thuế phí hỗ trợ tác động tăng giá xăng dầu cho người dân, doanh nghiệp.

Đại diện một số doanh nghiệp vận tải cũng kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan quản lý huy động nguồn ngân sách hay nguồn thu từ quỹ bình ổn giá xăng dầu để kiểm soát giá nhiên liệu trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Mặt khác, Nhà nước nên xem xét, cho phép xã hội hóa kinh doanh xăng dầu để mọi thành phần tham gia nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Trước đó, khi nói đến vấn đề giá xăng dầu tác động thế nào đến quá trình phục hồi sản xuất, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đã bày tỏ lo ngại, việc giá xăng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau thời gian dài bị ngưng trệ vì dịch bệnh. Khi giá xăng dầu tăng, đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng và kéo theo giá cả các mặt hàng khác tăng theo, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Với ngành vận tải, chi phí xăng, dầu chiếm 40% giá cước vận tải, nên giá xăng dầu tăng chắc chắn cước vận tải tăng theo. Giá cước tăng sẽ đẩy giá thành các sản phẩm tăng, đây sẽ là hệ quả tất yếu không thể tránh...

Đặng Nhật
.
.
.