Xăng dầu giảm giá sâu, tín hiệu tích cực đối với người dân và doanh nghiệp

Thứ Tư, 13/07/2022, 06:30

Từ 0h ngày 11/7, giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu trên thị trường đã đồng loạt giảm mạnh, tới hơn 3.000 đồng/lít đối với xăng RON95-III và hơn 3.100 đồng/lít đối với xăng E5 RON92, các mặt hàng dầu cũng hạ từ 800-3.020 đồng.

Đây là tín hiệu vui đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sau nhiều lần giá xăng dầu tăng phi mã, lần điều chỉnh giảm giá sâu đợt này vẫn chưa tác động đến thị trường hàng hoá tiêu dùng thiết yếu.

Cần có độ trễ để điều chỉnh giá

Chị Nguyễn Thị Hoa (Hà Đông) cho biết, hàng hoá thiết yếu đã thiết lập mặt bằng giá mới, hiện mớ rau tới thịt lợn đều đang tăng giá và neo ở mức cao. Hiện, tại chợ truyền thống ở khu vực Hà Đông, giá thịt lợn nạc mông, nạc vai từ 120.000 -130.000 đồng/kg; thịt ba chỉ, sườn thăn 130.000 -150.000 đồng/kg; thịt bò 230.000 -250.000đ/kg; rau muống 10.000 đồng/bó; rau cải non 15.000 đồng/mớ; cà chua 30.000 đồng/kg…

Chị Nguyễn Thị Trinh, tiểu thương ở chợ Văn Nội (Phú Lương - Hà Đông) cho biết, nhiều loại rau xanh tăng giá, một phần do mùa vụ, thời tiết, một phần do giá xăng tăng liên tục, giá vận chuyển tăng, qua nhiều khâu nên tới tay người tiêu dùng giá có cao hơn trước. Mọi thứ đều tăng nhưng sức mua của người dân cũng không tăng nhiều. Mỗi ngày nhập hàng cũng giảm đi.

Trên thực tế, các mặt hàng ở chợ giờ đều lên giá theo giá xăng, từ mớ rau đến các loại thực phẩm, hàng hoá thiết yếu. Tuy nhiên, khi giá xăng giảm thì hàng hoá vẫn ở mức cao. Hiện, sau nhiều đợt xăng dầu tăng giá, giá cả đã thiết lập mặt bằng giá mới, người tiêu dùng thì phải thắt chặt chi tiêu. Cùng với đó, nhiều hàng quán ăn cũng đã tăng giá, bát phở, bún từ 30.000 đồng lên 40.000 - 50.000 đồng tuỳ quán.

Chủ một cửa hàng kinh doanh ăn uống ở Cửa Bắc (Hà Nội) cho biết, không có người kinh doanh nào muốn tăng giá hàng hóa, nhất là trong thời điểm sức mua yếu như hiện nay. Đồng thời, với bối cảnh kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, nên người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu cũng dẫn đến việc ăn uống, mua sắm chỉ tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hơn. Hiện, nhiều nhà cung cấp đầu vào đều thông báo tăng giá và áp dụng biểu giá mới, nên việc điều chỉnh giá bán cũng rất đau đầu.

Trao đổi với PV Báo CAND, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, từ đầu năm đến nay, các nhà cung cấp hàng hoá vào siêu thị đã tăng giá từ 5-15%. Trong kỳ điều hành xăng dầu vừa qua, xăng dầu đã giảm sâu nhưng vẫn ở mức cao, việc giảm giá này là một tín hiệu vui đối với người dân và DN.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp vẫn chưa có sự điều chỉnh giá. Bởi, hàng hoá thiết yếu là cả một chuỗi dây chuyền của chuỗi cung ứng, việc điều chỉnh giá cần thời gian và quy trình chứ không thể điều chỉnh tăng - giảm ngay được, nên cần có độ trễ. Và khi có thông báo điều chỉnh giá, nhà cung ứng phải báo trước ít nhất 1 tháng.

Hiện tại với những mặt hàng thiết yếu như gạo, trứng… so với ngành hàng khác thì mức tăng là thấp nhất, còn nhóm dầu ăn do thiếu hụt nguồn cung trên thế giới và dầu ăn nhập khẩu bị hạn chế do cước tăng và sản xuất của DN trong nước hạn chế nên tăng 10-15% còn nhóm khác mà DN trong nước sản xuất được thì mức tăng nhẹ hơn, mức tăng từ 5-10%.

TS Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, thực trạng đối với nền kinh tế Việt Nam đó là khi giá xăng dầu tăng thì giá các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải sẽ tăng. Thế nhưng khi giá xăng dầu giảm thì các mặt hàng này lại không được điều chỉnh giảm theo tương ứng bởi vì cần có thời gian DN và các hộ kinh doanh điều chỉnh chi phí sản xuất, chi phí tiền lương. Bên cạnh đó mạng lưới phân phối bán lẻ do hệ thống chợ truyền thống chiếm tỷ trọng chi phối chính, các tư thương và người buôn bán nhỏ vì lợi nhuận luôn chủ động và khẩn trương tăng giá bán hàng hoá, nhưng miễn cưỡng giảm giá bán những mặt hàng này.

_dt_7207 copy.jpeg -0
Giải pháp kích cầu quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng hàng hóa và tăng ưu đãi cho khách hàng.

Nhiều chương trình khuyến mại hỗ trợ người tiêu dùng

Để hỗ trợ cho người tiêu dùng và kích cầu mua sắm, hiện nhiều hệ thống siêu thị lớn khẳng định đang đàm phán với nhà cung cấp để giữ giá bình ổn để người tiêu dùng mua hàng hóa với giá tốt nhất có thể... Bên cạnh đó, nhiều đơn vị bán lẻ còn chủ động lên các chương trình khuyến mại, giảm giá một số mặt hàng để kích cầu tiêu dùng.

Tại hệ thống siêu thị BRG thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, trong đó định kỳ 1 tháng 2 lần, mỗi lần áp dụng với khoảng 200 sản phẩm. Vào cuối tuần còn thực hiện chương trình giảm giá sâu cho một số ngành hàng thiết yếu. Hoa quả, trái cây, dầu ăn, nước mắm… khi thực hiện giảm giá, sức mua của người dân tăng cao.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Co.opmart Hà Nội cho biết, hiện phía Co.op Mart đã chuẩn bị lượng hàng tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 50-100% so với đầu năm 2022 để đảm bảo nguồn hàng ổn định, tránh biến động giá. Tại siêu thị vẫn đang thực hiện chương trình bình ổn giá cho nhiều mặt hàng thiết yếu, thực hiện các đợt khuyến mại giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị WinMart cho biết, tình hình biến động giá mạnh do giá xăng dầu tăng cao cũng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của các đơn vị cung ứng, chúng tôi cũng đã nhận được đề nghị điều chỉnh giá của rất nhiều nhà cung cấp. Tuy nhiên, WinCommerce vẫn đang chủ động đàm phán cùng đối tác nhằm trì hoãn việc tăng giá, đặc biệt với nhóm hàng nhu yếu phẩm.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh dẫn đến việc giá cả hàng hóa không ngừng tăng theo, giải pháp kích cầu quan trọng nhất lúc này là các DN cần bảo đảm chất lượng hàng hóa và tăng ưu đãi cho khách hàng. Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu nội địa, trọng tâm vào các tháng 7 và tháng 11/2022. Theo đó, trong tháng 7 và tháng 11/2022, dự kiến có khoảng 25.000 chương trình khuyến mại. Đồng thời, thành phố cũng sẽ phối hợp cùng các DN bán lẻ đảm bảo cung cấp đủ lượng các mặt hàng thiết yếu và cố gắng giữ bình ổn giá cả thị trường.

Về giải pháp thị trường trong những tháng cuối năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành Công thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá…

Lưu Hiệp
.
.
.