Chật vật với giá xăng, doanh nghiệp lại lo lãi suất tăng

Chủ Nhật, 26/06/2022, 07:50

Động thái tăng lãi suất huy động hàng loạt của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong thời gian gần đây cảnh báo thời kỳ tiền rẻ đã không kéo dài nữa. Trong khi người gửi tiền tiết kiệm vui mừng, thì các doanh nghiệp vay vốn lại nơm nớp lo lãi suất cho vay sẽ tăng theo.

Sau khi một số ngân hàng nhỏ tăng lãi suất huy động hút vốn, thị trường tài chính tháng 6 tiếp tục ghi nhận sự nhập cuộc vào “đường đua tăng lãi suất” của một loạt NHTM khác. Mặt bằng lãi suất đã có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, với kỳ hạn chỉ dưới 3 tháng, hiện nay các ngân hàng đang chào với lãi suất 3-4%/năm.

Mức trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định cho kỳ hạn này là 4%/năm, nhưng nhiều nhà băng huy động với mức kịch trần như Sacombank, PVcomBank, PGBank, SHB, MSB, VIB và Nam A Bank. Theo sau đó là Viet Capital Bank với 3,9%/năm và OCB với lãi suất 3,85%/năm cho kỳ hạn 3 tháng. Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động kênh online đã cao hơn hẳn, đa phần nằm trong khoảng từ 5,3% đến gần 7%/năm. SCB tiếp tục là ngân hàng chào mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn này với 6,85%/năm.

vcb.jpg -0
Nhiều ngân hàng xin nới “room” tín dụng.

Tiếp theo là PGBank (6,5%/năm), Nam A Bank (6,5%/năm), CBBank (6,35%/năm), ngân hàng OCB và Bảo Việt cùng chào mức lãi suất 6,2%/năm; hay như PVcomBank, Bản Việt là 6,1%/năm cho kỳ hạn này. Với kỳ hạn dài hơn, các nhà băng gần đây cũng điều chỉnh lãi suất tăng, thêm một số ngân hàng đã niêm yết mức lãi suất 7%/năm.

Điển hình là SCB tiếp tục đứng thứ nhất với 7,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Tiếp đó là Nam A Bank khi ngân hàng này cũng huy động tiền gửi của khách hàng qua kênh online với mức lãi suất lên tới 7,2%/năm. Đáng chú ý, với kỳ hạn 15 tháng, SCB đang niêm yết mức lãi suất 7,5%/năm cho khách hàng sử dụng sản phẩm "Tiền gửi Online".

Nếu có nhu cầu gửi trên 15 tháng, ngân hàng này cũng đang áp dụng mức lãi suất tiết kiệm online cao nhất thị trường là 7,55%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Nam A Bank chào mức lãi suất 7,4%/năm với kỳ hạn gửi từ 16 tháng trở lên. Hàng loạt ngân hàng niêm yết mức lãi suất cao ở các kỳ hạn dài còn có Viet Capital Bank (7%/năm), Kienlongbank (6,95%/năm), Viet A Bank (7,2%/năm)…

Trong bối cảnh các kênh đầu tư đang đối mặt với khó khăn, việc lãi suất tiết kiệm tăng là tín hiệu vui với những người có tiền nhàn rỗi, tuy nhiên, đối lập với bên gửi tiền, thì phía vay tiền lại đón nhận sự thay đổi này không mấy vui vẻ gì. Đối với nền kinh tế mà đa số doanh nghiệp hoạt động phục thuộc vào vốn vay ngân hàng thì việc tăng lãi suất huy động là một tín hiệu không mấy tích cực.

Tại phần thảo luận với các đại biểu trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết về vấn đề lãi suất, mục tiêu của Chính phủ, Quốc hội và NHNN là hạ mặt bằng lãi suất cho vay trong hai năm 2022 – 2023 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hồi phục sau COVID-19. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại (lạm phát và tỷ giá không thuận lợi) khiến mục tiêu điều hành của NHNN gặp nhiều áp lực hơn.

Trên thực tế, tín dụng tăng 8% so với cuối năm 2021, tính đến hết tháng 5 trong khi mặt bằng lãi suất cho vay chỉ tăng 9 điểm cơ bản so với cuối năm là một nỗ lực lớn từ ngành ngân hàng. Hiện nay, NHNN đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất trị giá 40.000 tỷ đồng đến hầu hết các ngành nghề (trừ những ngành rủi ro cao), nên kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm 0,5 - 1% trong hai năm 2022-2023.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dự báo lãi suất cho vay sẽ nhận áp lực tăng. Báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ gặp nhiều thách thức.

“Đối với lãi suất cho vay, hệ thống NHTM đã bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN. Giai đoạn này, NHNN thể hiện quyết tâm thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất hiệu quả hỗ trợ trọng điểm vào một số ngành nghề nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau dịch. Như vậy, định hướng xuyên suốt của NHNN vẫn là giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Mặc dù vậy, với tăng trưởng tín dụng dự báo đạt cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất huy động chịu áp lực tăng. Theo đó, lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định”, VCBS nhận định.

Ngoài chuyện lãi suất, một vấn đề mới cũng phát sinh khiến cho cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp cũng bị hẹp lại. Theo đó tại báo cáo thị trường mới phát hành, Chứng khoán MB cho biết đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021 và tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2022, phù hợp với diễn biến tích cực của nền kinh tế. Trong bối cảnh gói hỗ trợ lãi suất 2% đang triển khai, các NHTM đang dần tiệm cận với hạn mức tín dụng sẽ khiến nguy cơ xảy ra tình trạng có tiền mà không cho vay được.

Trước đó, nhiều đơn vị phân tích cũng nhận định rằng việc nhiều NHTM đã hết ''room'' tín dụng trong khi NHNN vẫn chưa thực hiện nới hạn mức đã khiến cho tín dụng không đẩy thêm được ra ngoài từ những ngày cuối tháng 5. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, việc các NHTM đều tiến sát tới mức ''room'' tín dụng được NHNN cấp từ đầu năm nhiều khả năng là lý do chính khiến cho khả năng cho vay thêm của các NHTM giảm xuống. Tương tự, SSI Research cho rằng tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng lớn đã gần chạm mức trần tín dụng mà NHNN đặt ra đầu năm, và do vậy giải ngân tín dụng mới sẽ được các ngân hàng cân nhắc hơn.

Trước thực tế này, các ngân hàng đã đồng loạt đề xuất được nới ''room'' tín dụng để tham gia hỗ trợ khách hàng phục hồi sau đại dịch. Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank nhận xét nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm COVID giống như ''cơn khát nước sau trận hạn hán'', nên tăng rất nhanh.

Với ''room'' tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, đại diện Vietcombank đề nghị NHNN nới ''room'' tín dụng cho các ngân hàng một cách phù hợp để tham gia hỗ trợ khách hàng. Tương tự, đại diện Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam cho rằng khi chưa có gói hỗ trợ lãi suất thì nhu cầu tín dụng đã cao rồi, nay có gói hỗ trợ lãi suất thì nhu cầu càng cao hơn, do đó, nhà băng này cũng kiến nghị NHNN nới ''room'' tín dụng…

Hà An
.
.
.