Việt Nam vẫn có cơ hội kiểm soát tốt lạm phát
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, lạm phát của Việt Nam sẽ được kiểm soát dưới 4% theo đúng mục tiêu.
Lạm phát 7 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2021, mặc dù vẫn nằm trong vòng kiểm soát, song theo các chuyên gia kinh tế, áp lực lạm phát với kinh tế Việt Nam từ giờ tới cuối năm là rất lớn. Hiện, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lên đến 200% GDP, tình trạng nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam khó tránh khỏi, chưa kể giá nhiều mặt hàng hoá thời gian qua tăng chóng mặt theo giá xăng dầu, nhưng lại chưa giảm theo giá xăng dầu cũng tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2022.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), câu chuyện lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy. Để kiểm soát lạm phát, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần phải làm rõ, nguyên nhân tăng lạm phát từ đâu thì mới “chữa bệnh” cho đúng được. Với Việt Nam, tâm lý lạm phát rất quan trọng. Người dân để ý các phát biểu của lãnh đạo, các cơ quan, bộ, ngành có liên quan và lập tức có dự báo, có hành vi kinh doanh. Chính vì thế, việc truyền thông rất quan trọng, để giảm bớt tâm lý lạm phát, hay hiện tượng vẫn gọi là "té nước theo mưa".
Trước áp lực của lạm phát, TS Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam vẫn có cơ hội kiểm soát tốt lạm phát nhờ ba yếu tố. Đó là, dự báo giá xăng giảm sẽ giúp giá cả các nguyên vật liệu đầu vào khác dịu bớt đi, từ đó giảm áp lực chi phí đẩy cho Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ đang đảm bảo tốt nguồn cung các đầu vào thiết yếu cho nền kinh tế, đặc biệt là lương thực thực phẩm. Theo đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong giai đoạn biến động. Bên cạnh đó, công tác phối hợp điều hành chính sách giữa các bộ, ngành được tiến hành khá tốt, giúp cho lạm phát 6 tháng đầu năm không tăng cao. Cụ thể, một số động thái điều hành chính sách linh hoạt đã được áp dụng như giảm thuế, phí với xăng dầu để hạ nhiệt giá xăng; kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực phi sản xuất.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, áp lực lạm phát với Việt Nam hiện nay là do chi phí đẩy, chủ yếu là giá năng lượng. Do đó, nếu giá dầu thế giới không vượt 120 USD/thùng, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2022 dưới 4%, ngược lại nếu giá dầu vượt 120 USD/thùng sẽ là thách thức cho Việt Nam. Khi ấy, hy vọng điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng không còn, khả năng lạm phát có thể trên 4% khiến cơ quan quản lý phải dùng đến những biện pháp hạ nhiệt như giảm thuế, phí…
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), trong nửa đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng tốc phục hồi nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022. Lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8% trong năm nay. Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB Việt Nam, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua hàng loạt cú sốc rất lớn và rất tiêu cực, nhưng kinh tế Việt Nam đến nay vẫn tương đối vững vàng và đang phục hồi mạnh mẽ sau đợt suy giảm do COVID-19 gây ra vào năm ngoái. WB dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn khả quan từ nay đến cuối năm cũng như trong năm 2023.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho rằng, hiện nay lạm phát cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn phù hợp ở hiện tại. Tuy nhiên, nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực, khi lạm phát cơ bản tăng tốc và chỉ số giá tiêu dùng vượt quá mục tiêu 4% do Chính phủ đặt ra, thì bà Madani cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền.
TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, trong kinh tế bao giờ cũng có sự đánh đổi, nếu tăng trưởng năm nay trên 6,5% và lạm phát trên dưới 4% thì đã là kỳ tích thành công. Nếu chúng ta dùng giải pháp quá thắt chặt để kiểm chế lạm phát dưới 4% thì sẽ cản trở sự phục hồi của nền kinh tế, các gói hỗ trợ của chúng ta sẽ kém hiệu quả. Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng một cách thận trọng nhằm duy trì ổn định lãi suất và tỷ giá sẽ hỗ trợ DN phục hồi, đồng thời không tạo thêm sức ép lên tình trạng lạm phát.