Mục tiêu kiểm soát lạm phát, cân đối cung cầu hàng hóa

Thứ Năm, 04/08/2022, 08:12

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu dùng (CPI)  tháng 7 vừa qua tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng có phần hơi cao, nhưng hoàn toàn chấp nhận được trong bối cảnh bị động từ nhiều nguyên nhân, nhiều phía.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, do phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu nên kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng vì khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%; đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Riêng giá xăng dầu diễn ra chủ yếu theo chiều hướng tăng trong 6 tháng đầu năm.

Xăng dầu là hàng chiến lược, chiếm 3,5% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế nên tác động, đẩy lạm phát gia tăng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Tính chung, khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Tuy nhiên, liên tiếp trong các kỳ điều hành giá xăng dầu vừa qua, giá xăng dầu liên tiếp giảm mạnh, tạo cơ hội cho sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh; tạo điều kiện hạ thấp mức tăng CPI.

Dự báo, CPI thời gian tới sẽ thể hiện rõ khi thực tế này “thấm” vào đời sống, thông qua độ trễ nhất định. Đặc biệt, các nhà thầu xây dựng có điều kiện tốt hơn để giảm chi phí sau một thời gian dài điêu đứng, thiệt hại do thời giá của nhiều loại vật tư, nhiên liệu tăng cao và liên tục.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát, cân đối cung cầu hàng hóa -0

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dù đã kiểm soát lạm phát khá tốt nhưng áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn còn lớn, do đó cần có giải pháp hợp lý, kịp thời và thiết thực đối với cả doanh nghiệp cũng như người dân để khống chế lạm phát.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, cần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện kết nối lại các chuỗi cung ứng nội địa cũng như mối quan hệ xuất nhập khẩu. Tập trung kiểm soát thị trường giá cả, chống đầu cơ buôn lậu nâng giá bất hợp lý kể cả những mặt hàng mà trước đây không thuộc Nhà nước định giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Tổ chức tốt hệ thống phân phối quốc gia, giảm trung gian bất hợp lý của một số đơn vị thao túng thị trường để bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng.

TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, mục tiêu quan trọng được đặt ra lúc này là phải đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương hiện cũng đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương phối hợp với Bộ làm việc và theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.

Về nỗ lực của Chính phủ điều hành giá trong thời gian vừa qua, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ luôn chủ động, phối hợp hiệu quả với Quốc hội xử lý khẩn trương, đầy trách nhiệm trong điều hành giá hàng hoá và dịch vụ để kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Chẳng hạn đối với xăng dầu, Chính phủ đã trình Quốc hội 2 lần giảm mức thuế bảo vệ môi trường của xăng dầu xuống mức giá sàn. Gần đây, Chính phủ cũng đã chỉ đạo kịp thời khi giá thịt lợn có xu hướng tăng cao. Đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng, Chính phủ cũng đã kịp thời chỉ đạo để tránh tình trạng tăng giá hàng hóa một cách bất hợp lý.

Một loạt các nhóm hàng và dịch vụ có tác động lớn tới lạm phát cũng được kiểm soát rất chặt chẽ, như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, điện chưa tăng giá theo lộ trình. Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo hệ thống phân phối, bán lẻ có tổ chức luôn chủ động đưa ra các giải pháp đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng các loại hàng hoá và dịch vụ thiết yếu. Nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình bình ổn giá, giữ ổn định giá các hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân. Đặc biệt, ngày 31/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 679 về tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

 Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB cho biết, ADB vẫn giữ nguyên dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2022 và có thể ở mức 6,7% vào năm 2023.

Lưu Hiệp
.
.
.