Vi phạm thương mại điện tử ngày càng tăng
Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), các vi phạm như hàng giả, nhái ngày càng tăng. Trước thực tế trên, lực lượng chức năng Hà Nội xác lập nhiều chuyên án tổ chức đấu tranh, đánh trúng các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp và xử lý các hành vi vi phạm.
Hàng giả, nhái tràn lan, khó xử lý
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng công khai trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng. Những vi phạm trong lĩnh vực TMĐT cũng có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ. Các đối tượng lợi dụng TMĐT, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Theo ông Hùng, qua tổng kết công tác kiểm tra, xử lý vi phạm 6 tháng đầu năm, trên địa bàn TP Hà Nội, công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn cũng gặp một số khó khăn khi các thủ đoạn làm giả và xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu hàng hóa ngày càng tinh vi hơn. Việc giám sát, thẩm tra, xác minh của lực lượng QLTT cũng gặp nhiều trở ngại khi các đối tượng thay đổi phương thức kinh doanh từ cửa hàng truyền thống chuyển sang bán hàng trên môi trường TMĐT.
Theo đó, trên các trang TMĐT, tài khoản trên sàn TMĐT thường sử dụng các hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hiệu giá rẻ. Sau khi người tiêu dùng đồng ý mua thì tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt (chuyển khoản, sử dụng thanh toán QR) hoặc dịch vụ giao nhận, vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách hàng nhưng thực tế hàng hóa bán là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng.
Thủ đoạn của các đối tượng này thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.
Cùng với đó, khó khăn rất lớn trong việc phát hiện và xử lý tình trạng này là các giao dịch, thanh toán đều là “ảo”, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên việc xử lý càng trở nên khó khăn. Trên các trang web bán hàng hoặc qua mạng xã hội thường không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có điện thoại để giao dịch. Khi có khách hỏi mua hàng thì sẽ hỏi địa chỉ để giao nhận hàng hóa, thanh toán tại nhà.
Nhóm hàng, hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là: Buôn bán hàng cấm (thuốc lá điếu nhập lậu, hàng cấm nhập khẩu, hàng hóa không được phép lưu hành…); tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, hàng hóa tiêu dùng, hàng điện tử, khoáng sản…; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như mặt hàng thời trang, lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng….; các hành vi vi phạm trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu.
Ngày 5/6 vừa qua, Đội QLTT số 10, Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an huyện Sóc Sơn) phát hiện địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế, tại địa chỉ số 4, Kho Lăng, Quốc lộ 2, thôn Đoài, xã Phù Lỗ, Sóc Sơn có khoảng 3.000 chiếc máy tính bảng, điện thoại di động các loại và các loại mặt hàng khác (thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm…) do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ. Đây là vụ việc mà lực lượng chức năng mất thời gian dài theo dõi hàng hóa được đăng bán trên các nền tảng TMĐT (Tiktok Shop), địa điểm kiểm tra là nơi tập kết hàng hóa trước khi vận chuyển đến tay người tiêu dùng.
Ông Tô Cẩm Tú, Đội Trưởng Đội QLTT số 10, Cục QLTT Hà Nội, cho hay: “Từ nay đến cuối năm, Đội QLTT số 10 sẽ tiến hành kiểm tra kiểm soát với tinh thần quyết liệt nhất để không có những vụ vi phạm lớn xảy ra. Hoạt động TMĐT dự kiến là mô hình kinh doanh chính trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ tăng cường phối kết hợp với cơ quan Công an và Thuế, họ nắm được nhiều thông tin cơ bản về địa bàn, về nguồn thanh khoản của hoạt động TMĐT”.
Dự báo 6 tháng cuối năm, tình hình thị trường sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, do vậy, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội yêu cầu, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa.
Nỗ lực ngăn chặn vi phạm TMĐT
Cục QLTT Hà Nội cho biết, kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm 6 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 15/6/2024): Tổng số vụ kiểm tra xử lý: 2.716 vụ; Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước (bao gồm tiền phạt hành chính, tiền buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp và tiền bán hàng tịch thu): 59.189.000.000 đồng (đạt 87%); Thanh tra chuyên ngành: 1 vụ việc, phạt hành chính: 134.000.000 đồng.
Trong khi đó, trên tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển ma túy tổng hợp, sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm, tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các loại hàng hóa có giá trị cao qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài...
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng đã xác lập các chuyên án nhằm tổ chức đấu tranh, đánh trúng các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp và xử lý các hành vi vi phạm.
Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên sàn TMĐT, ông Dương Mạnh Hùng cho rằng cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan. Hằng năm, Cục đã thường xuyên chỉ đạo các Đội QLTT căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được giao, triển khai và thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm vững tình hình các cơ sở sản xuất, kinh doanh, diễn biến của thị trường.
Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát các nhóm, mặt hàng cấm, hàng lậu, hàng giả mạo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Giám sát, nắm bắt thông tin, truy tìm đường dây, ổ nhóm, kho bãi tập kết hàng hóa, để chào hàng, bán online, livestream qua mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube…). Các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua các bưu cục, điểm trung chuyển hàng hóa, để xác định nguồn gốc cung cấp, chào bán.