Tính phương án tối ưu nhất để giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá xăng dầu thế giới
Từ 15h ngày 11/10, giá xăng dầu trong nước đã tăng gần 1.000 đồng/lít. Xăng dầu là mặt hàng đầu vào của sản xuất nên giá xăng, dầu tăng sẽ kéo theo giá nhiều mặt hàng tăng lên, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trong giai đoạn khôi phục kinh tế, việc giá cả đầu vào tăng sẽ là một rào cản đáng lo ngại.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới thời gian qua chịu ảnh hưởng từ việc kinh tế các nước trên thế giới hồi phục, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang khôi phục trở lại; nhu cầu năng lượng (trong đó có xăng dầu) tăng do chuẩn bị nguồn năng lượng cho mùa đông.
Trong khi đó, giá khí đốt tăng mạnh, cùng với việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các liên minh (OPEC+) quyết định không gia tăng sản lượng khai thác so với kế hoạch đã tác động làm giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng đáng kể trong giai đoạn vừa qua. Giá dầu thô ngày 10/10 đã lên mức 80,11 USD/thùng đối với dầu WTI và 82,58 USD/thùng đối với dầu Brent, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.
"Giá xăng dầu thế giới tăng mạnh đang gây áp lực lên giá bán lẻ mặt hàng này ở trong nước. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công Thương, kể từ đầu năm 2021, giá dầu thô đã tăng gần 58% từ khoảng 51,8 USD/thùng lên khoảng 81 USD vào cuối ngày 6/10", Bộ Công Thương cho hay.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong khi đa số các nhóm hàng hóa khác giảm giá thì nhóm giao thông, trong đó có giá xăng lại tăng giá liên tục. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 16 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 5.470 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.200 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.210 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 9 tháng tăng 24,8%, làm CPI chung tăng 0,89 điểm phần trăm.
Ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP xăng dầu Tự Lực I cho biết, tiêu thụ xăng dầu đã giảm rất mạnh trong thời điểm giãn cách xã hội. Để đảm bảo được hoạt động kinh doanh, mức chiết khấu bình quân phải từ 1.000 đồng/lít trở lên. Tuy nhiên, nhiều tháng nay, mức chiết khấu tại kho đầu mối mà nhà phân phối nhận được chỉ còn khoảng 200 - 400 đồng/lít với dầu và từ 500 - 600 đồng/lít với xăng.
Do đó, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, các đại lý, thương nhân phân phối sẽ càng khó khăn, thua lỗ bởi đặc thù ngành xăng dầu là bắt buộc phải mở cửa bán hàng. Trên thực tế, có doanh nghiệp (DN) xăng dầu đã không mặn mà với hoạt động kinh doanh xăng dầu vì lợi nhuận thấp nên bất chấp quy định, vẫn tạm đóng cửa "về ăn cơm". Trường hợp này đã bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện, kiểm tra, xử phạt.
Không chỉ với thương nhân phân phối, DN đầu mối xăng dầu cũng cho rằng, giá xăng tăng mạnh thời gian qua cũng khiến DN khó xoay xở. Để giữ giá bán hợp lý theo yêu cầu của cơ quan quản lý, quỹ bình ổn giá liên tiếp chi sử dụng ở mức cao trong suốt thời gian dài. Tình trạng chi nhiều hơn thu, tiêu thụ xăng dầu giảm sút đã khiến DN âm quỹ. Đơn cử như, tính đến 15 giờ ngày 11/10, Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Petrolimex tiếp tục bị âm 190 tỷ đồng so với thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu trước đó (ngày 25/9).
Để giảm giá xăng dầu hoặc giữ ổn định, các DN cho rằng, cần giảm một số loại thuế, phí của mặt hàng này, như thuế bảo vệ môi trường. Giá xăng dầu tăng, đương nhiên các DN vận tải sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Đại diện một DN vận tải cho biết, giá xăng tăng liên tiếp trong thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của đơn vị. Ước tính, từ tháng 7 đến tháng 9-2021, chi phí vận tải của DN đã tăng khoảng 15%. Do dịch bệnh, đầu xe chạy thấp, song chi phí kho bãi, kiểm dịch… đã tăng mạnh, kèm theo áp lực từ giá xăng dầu.
Để giữ bình ổn giá xăng dầu trong nước, từ đầu năm 2021 đến nay, quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Do đó, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, ở kỳ điều hành lần này, nếu không chi quỹ bình ổn giá đối với xăng E5RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức cao, giá xăng E5RON92 và dầu diesel, dầu hỏa sẽ tăng trên 1.000 đồng/lít so với giá hiện hành.
Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và DN còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, liên Bộ Công Thương - Tài chính chắc chắn sẽ tính đến phương án tối ưu nhất để đảm bảo giá bán lẻ trong nước có tăng cũng vẫn ở mức thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới. Bên cạnh công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.
Để ngăn đà tăng của giá xăng dầu trong nước, giảm thuế, phí được coi là giải pháp. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng giải pháp này rất khó được đưa vào thực tế. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, Bộ Công Thương luôn bám sát vào các chỉ đạo của Chính phủ cũng như điều hành theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, qua đó phối hợp với các DN xăng dầu bảo đảm được nguồn cung và điều hành nhịp nhàng, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về những nghiên cứu đề xuất của khối DN trong việc giảm giá điện, giá xăng, Bộ Công Thương, cụ thể là Vụ Thị trường trong nước cũng đã có những nghiên cứu, nắm bắt thị trường, đặc biệt là giá xăng dầu trên thị trường thế giới, bám sát các điều hành liên quan giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng các DN để đưa ra những nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ BOG.
"Chúng ta phải nắm được Quỹ BOG hiện nay còn bao nhiêu, qua đó, phân tích những yếu tố về giá, về thuế và làm việc chặt chẽ với Bộ Tài chính về vấn đề giảm thuế. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan để điều hành giá xăng dầu phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế, bảo đảm hỗ trợ cho người dân, DN", bà Lê Việt Nga khẳng định.