Tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu trái cây

Thứ Năm, 22/09/2022, 08:25

Ngày 21/9, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) – Bộ Công Thương phối hợp cùng một số thương vụ tại nước ngoài tổ chức tư vấn xuất khẩu (XK) bưởi của Việt Nam sang thị trường các nước.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu – Cục XTTM cho biết, bưởi Việt Nam có triển vọng XK sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, do nguy cơ dịch hại ở mức thấp. Ngoài ra, chất lượng bưởi Việt Nam được đánh giá vượt trội so các nước nhờ có vị ngọt vừa phải, thích hợp với gu tiêu dùng của nhiều vùng trên thế giới. Với bưởi da xanh, còn có ưu điểm là múi tách dễ dàng, vị đắng nhẹ, ráo nước… Đặc biệt bưởi vỏ dày dễ tồn trữ, thời gian bảo quản sau thu hoạch dài nên có thể XK bằng đường biển để đi các thị trường xa.

sau_rieng-1663809999872.jpg
70 tấn sầu riêng đầu tiên của Lâm Đồng được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch.

Bên cạnh đó, nông sản trái cây nói chung và trái bưởi nói riêng thuộc nhóm sản phẩm ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Do đó, dư địa XK tới nhiều thị trường của Việt Nam còn lớn. Hiện nay, bưởi Việt Nam chủ yếu XK trái tươi, điều này dẫn tới nguy cơ được mùa mất giá, trong khi đó trái bưởi có thể chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau như nước bưởi, tinh dầu bưởi, kẹo dẻo, mứt… và tinh chất trong vỏ bưởi có thể sản xuất ra nhiều loại dược phẩm, thực phẩm… Tuy nhiên, thông tin về thị trường XK, các điều kiện tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường XK đối với các doanh nghiệp (DN) XK sản phẩm bưởi của Việt Nam còn rất hạn chế.

Đặc biệt, thị trường khó tính là Mỹ vừa qua đã chính thức cho NK chính ngạch bưởi da xanh từ Việt Nam. Bưởi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được XK sang thị trường này. Trước đó, Mỹ đã cấp phép cho NK 6 loại trái cây tươi của Việt Nam gồm: Xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa. Một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng, vẫn được XK sang Mỹ nhưng dưới dạng đông lạnh. Sau quả bưởi, các cơ quan chức năng của Mỹ cũng đang xem xét các thủ tục để tiếp tục đưa trái dừa tươi của Việt Nam vào thị trường Mỹ. “Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này có nhu cầu tiêu thụ lớn về trái cây, mỗi năm 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của Mỹ hiện chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, 30% còn lại tương tương 3,6 triệu tấn là NK. Đây sẽ là dư địa và cơ hội lớn cho trái cây Việt Nam, trong đó có mặt hàng bưởi”, bà Thủy nói.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Houston Texas - Hoa Kỳ, quả bưởi của Việt Nam XK sang Mỹ hiện không lớn lắm. Theo thống kê, Mỹ NK bưởi từ các nước trên thế giới trong năm 2020 đạt 17 tỷ USD, năm 2021 đạt 20 tỷ USD và trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 14 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn khoảng 1 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam XK sang thị trường này 572 triệu USD.

Vấn đề then chốt là phải đánh giá đúng tiềm năng thị trường, chứ không phải chúng ta sản xuất nhiều là chúng ta chiến thắng, hay giá rẻ là chiến thắng. Vì vậy, khi Chính phủ Mỹ cho DN Việt Nam NK bưởi da xanh thì DN cũng cân nhắc rằng liệu sức mua, khả năng của thị trường là bao nhiêu. Ngoài ra, ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng khuyến cáo nhà quản lý, DN Việt Nam khi XK vào thị trường Mỹ thì cần lưu ý 2 vấn đề:  Khi NK hoa quả trái cây thì phải thông qua hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp liên bang Mỹ; Còn liên quan đến sức khỏe của người dân thì phải thông qua Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Ngoài XK vào thị trường Mỹ, các DN còn được hỗ trợ các thông tin cần thiết để XK vào các thị trường Indonesia và Hồng Kông.

Cùng ngày, tại huyện Bảo Lâm, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Lễ công bố và khai trương xuất khẩu chuyến hàng 72 tấn sầu riêng chính ngạch đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng sang thị trường Trung Quốc. Hoạt động kinh tế này được thực hiện theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào ngày 11/7/2022 vừa qua.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, đến nay diện tích sầu riêng trên địa bàn đạt khoảng 14.432ha, trong đó diện tích kinh doanh khoảng 7.000ha, sản lượng hằng năm đạt 99.365 tấn. Vùng trồng sầu riêng tập trung phần lớn tại các huyện Đạ Huoai (4.345ha), Di Linh (3.693ha), Bảo Lâm (2.544ha), Đạ Tẻh (1.625ha), còn lại phân bổ các địa phương như Lâm Hà, Đam Rông, TP Bảo Lộc với các loại giống chủ yếu là MonThong, Ri6... Đặc biệt, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có hơn 900ha sầu riêng được cấp giấy chứng nhận VietGAP, trong đó có 17 chuỗi liên kết với 411 hộ sản xuất gần 646ha gắn với tiêu thụ sản lượng 13.810 tấn. Hiện đã có 23 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu và 1 đơn vị được cấp quyền sử dụng biểu trưng nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai”.

Tuy nhiên, trái sầu riêng ở nước ta, trong đó có Lâm Đồng chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trước đây, do sầu riêng vẫn chưa có trong danh mục nông sản xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc, muốn xuất khẩu loại trái cây này, nhiều DN phải ủy thác qua các DN khác tại Thái Lan, Indonesia... dẫn đến chi phí, giá thành xuất khẩu tăng cao. Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, đã có 12 DN, HTX với diện tích hơn 809ha và 310 hộ đăng ký sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn đề ra, sẵn sàng cung cấp thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, đăng ký mã số xuất khẩu loại trái cây này sang thị trường Trung Quốc.

T.Hà - Khắc Lịch
.
.
.