Thực phẩm bẩn hóa trang "hàng xịn" rao bán trên mạng
Dịch COVID-19 như cú hích giúp người dân chuyển sang mua bán hàng hóa qua trang thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, cùng với đó, vi phạm về an toàn thực phẩm trên mạng ngày càng gia tăng. Giải quyết tình trạng này như thế nào?
Tràn lan rao bán thực phẩm kém chất lượng
Tại hội thảo Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, doanh nghiệp (DN) cần tiếp tục xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, và kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ đầu vào nhằm đảm bảo nguồn cung cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho hay, tình trạng gian lận thương mại trên các sàn TMĐT hiện đang là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu thức ngày càng tinh vi của các trang mua bán điện tử. “Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp, nhưng xử lý vi phạm gặp không ít khó khăn, do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những DN “ảo” này không đơn giản”, ông Trần Hữu Linh nói.
Chia sẻ cụ thể hơn về những vi phạm an toàn thực phẩm trên sàn TMĐT, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) cho hay, TMĐT đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung và với công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường. Dịch COVID-19 làm cho nguồn cung ứng thực phẩm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng, thực phẩm giả mạo gia tăng. Ví như lực lượng QLTT gần đây phát hiện, xử lý một số cơ sở sản xuất mật ong “giả”, là sản phẩm pha chế, kém chất lượng, rất nguy hại cho người tiêu dùng. Chưa kể, các vụ việc kiểm tra, tạm giữ các lô hàng thực phẩm đông lạnh đã hết hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn diễn ra thường xuyên, cho thấy an toàn thực phẩm là vấn đề nhức nhối.
Thống kê cho thấy, 6 tháng năm 2022, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 45 vụ việc, xử lý 42 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 700 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm gần 1,2 tỷ đồng; hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.
Đại diện cho cơ quan tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng về vi phạm an toàn thực phẩm, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho hay, TMĐT phát triển bùng nổ, cơ quan này tiếp nhận hàng loạt khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các sản phẩm sữa như hộp bị phồng, quá hạn sử dụng, sữa bị mốc… ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Đảm bảo truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2021 đến nay, Cục đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thông qua Tổ xử lý phản ứng nhanh đã khóa 200 gian hàng, trên 500 sản phẩm vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm, dược mỹ phẩm. Tuy nhiên, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Vi phạm không chỉ xảy ra tại các sàn TMĐT mà còn tại nhiều shop bán qua mạng xã hội.
Do đây là lĩnh vực liên quan đến quản lý của nhiều bộ, ngành nên bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho rằng, cần có sự chung tay của các cơ quan liên quan mới ngăn chặn được vi phạm. Ở góc độ của Cục, Cục sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, phối hợp với các đối tác để truy xuất nguồn gốc sản xuất và triển khai gian hàng trực tuyến quốc gia trên sàn TMĐT, để người dân có thể tiếp cận được các sản phẩm an toàn hơn. Cùng với đó, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, cần mua hàng tại những địa chỉ uy tín để giảm thiểu rủi ro.
Để tăng hiệu quả kiểm soát an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần iCheck cho rằng, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ mang lại giá trị cho DN như minh bạch thông tin, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất, quản lý các rủi ro. Hơn nữa, qua đây còn giúp DN tối ưu chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng thực phẩm, khoanh vùng các rủi ro khi gặp sự cố, tránh các hàng giả, hàng nhái, đảm bảo uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, muốn chuẩn hóa hệ thống truy xuất nguồn gốc, đầu tiên cần hiểu đúng về quy chuẩn của mã truy xuất nguồn gốc. Nhằm hỗ trợ DN, hợp tác xã và các hộ sản xuất, triển khai thực hiện truy xuất sản phẩm nông sản, Công ty cổ phần iCheck đã nghiên cứu và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc chuẩn Quốc gia.
Trong công tác QLTT về an toàn thực phẩm thời gian tới, ông Nguyễn Đức Lê cho biết, Tổng cục QLTT sẽ tập trung đấu tranh các hành vi vi phạm, trong đó sẽ tập trung bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương về an toàn thực phẩm trong các dịp lễ, Tết; tích cực giám sát thị trường, dùng các biện pháp nghiệp vụ để nhanh chóng, khẩn trương phát hiện các hàng vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn; đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện cam kết của DN, nhất là DN có tính dẫn dắt thị trường cung cấp sản phẩm an toàn ra thị trường cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu…