Thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt

Thứ Hai, 20/06/2022, 09:10

Là chủ trương lớn của Chính phủ, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang được các ngân hàng cũng như người dân nhiệt tình ủng hộ, thậm chí trở thành nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của rất nhiều người dân sống ở đô thị.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến tháng 4/2022, giao dịch TTKDTM tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76% so với cùng kỳ năm 2021. Thanh toán qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).

287513824_5298792460177252_5561000238008784406_n.jpg -0
Thanh toán không dùng tiền mặt trở thành nhu cầu của nhiều người.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, để đạt được kết quả trên, ngành ngân hàng đã phải nỗ lực rất lớn. Trong đó, NHNN đã chủ động nghiên cứu, ban hành: kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng; chỉ thị về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; trình Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money)…

Bản thân các tổ chức tín dụng cũng ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung chuyển đổi số trước do giao dịch thanh toán, vốn chiếm phần lớn trong các giao dịch ngân hàng, thanh toán liên quan mật thiết tới cuộc sống thường nhật, thiết yếu của người dân và đóng vai trò cửa ngõ để kết nối thuận tiện với các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng-tài chính khác như tiền gửi, tiết kiệm, vay vốn, bảo hiểm, quản lý tài chính cá nhân… và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng như gọi xe, vé xem phim, đặt nhà hàng/tour du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…

Thực tế tại các ngân hàng cho thấy, khách hàng ngày càng có xu hướng giao dịch trên kênh số. Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB cho hay, chuyển đổi số đang là yêu cầu bắt buộc với các ngân hàng bởi hiện nay, hầu hết khách hàng không còn muốn giao dịch tại quầy nữa mà chủ yếu giao dịch online. Năm 2021, kênh số chiếm hơn 92,3% số lượng giao dịch tại MB. Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank cũng cho hay, hiện nay, tỷ lệ giao dịch qua online ở nhiều ngân hàng lên tới 90%. Ngay cả vùng nông thôn có yếu tố công nhân, công nghiệp cũng có tới 98%, còn cao hơn đô thị.

Trước yêu cầu chuyển đổi số, cũng như nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng cao, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết mục tiêu từ nay đến năm 2030, NHNN đặt ra 50%-70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50-80% người trưởng thành sử dụng dịch vụ có tài khoản ngân hàng… Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu, các ngân hàng thương mại cho rằng cần phải có sự hỗ trợ từ các bên, vì việc chuyển đổi số đầu tư với quy mô lớn, trong khi dịch vụ cơ bản miễn phí, nên bao giờ tạo ra hiệu quả thực sự là rất khó.

Chưa kể, về nhân sự đặt ra yêu cầu tăng hiệu suất, làm chủ công nghệ và quản lý trên cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu kinh doanh. Bởi vậy, các ngân hàng mong muốn được kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với các nền tảng ngành ngân hàng, tăng dịch vụ và tính bảo mật, an ninh an toàn. Đẩy mạnh chuẩn QR quốc gia VietQR, gia tăng cung cấp sản phẩm đến khách hàng eKYC để phòng ngừa rủi ro, tiếp cận đa dạng và thuận tiện sản phẩm ngân hàng; có cơ chế cho phép trích lập dự phòng xử lý rủi ro công nghệ. Ngoài ra, cần có hàng lang pháp lý liên quan đến TTKDTM đầy đủ hơn để có cơ sở giải quyết các tranh chấp.

Ghi nhận đề xuất của các ngân hàng thương mại, NHNN cho biết để thúc đẩy TTKDTM trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh 5 giải pháp, trong đó sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy TTKDTM, chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích trên cơ sở ứng dụng cộng nghệ và đổi mới sáng tạo; trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM và ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định về TTKDTM, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Bên cạnh đó, đề nghị các bộ, ngành cơ quan liên quan phối hợp triển khai có hiệu quả Đề án TTKDTM giai đoạn 2021-2025, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ.

Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích nền tảng số, giúp tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng, nhưng phải đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn…

Hà An
.
.
.