Đảm bảo an toàn cho khách hàng khi thanh toán không dùng tiền mặt

Thứ Năm, 14/04/2022, 07:16

Đây là chia sẻ của đại diện Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) tại tọa đàm "Thúc đẩy thanh toán số trong đại dịch" diễn ra ngày 13/4. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Ngày Thẻ Việt Nam do báo Tiền Phong và Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thói quen thanh toán của người dân đã có những thay đổi lớn. Cùng với sự dịch chuyển của người dân, nhiều phương thức thanh toán số đã ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng như: thẻ chip, QR code, ví điện tử… và ứng dụng mobile banking. Kết quả đạt được cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các phương tiện điện tử thay thế cho tiền mặt. Đây cũng là một trong các mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam.

Ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 hướng tới một số mục tiêu chủ yếu như tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM với mức tăng trưởng cao; phổ cập, đưa việc sử dụng các phương thức, phương tiện TTKDTM trở thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và tạo sự lan tỏa, mở rộng TTKDTM ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt. Cùng với đó, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để đổi mới, phát triển hạ tầng thanh toán, phát triển dịch vụ TTKDTM an toàn, tiện ích, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán ngày một tăng, yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.

Đảm bảo an toàn cho khách hàng khi thanh toán không dùng tiền mặt -0
Thói quen tiêu dùng không tiền mặt ngày càng phát triển mạnh.

Đặc biệt, chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế. Theo kế hoạch, dự kiến phấn đấu đạt một số mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm, qua kênh Internet đạt 35 - 40%/năm, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%…

Ông Lê Văn Tuyên đánh giá, thời gian qua, hoạt động thanh toán từ người dân, tổ chức, nhất là giới trẻ Việt Nam đã tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới. Các hình thức thanh toán đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập tại Việt Nam: thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc (contactless), thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua NFC, ứng dụng Mobile banking,… kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.

NHNN đã chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến. NHNN cũng tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như: thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), Ví điện tử; phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong việc tổ chức triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money nhằm thúc đẩy TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Chia sẻ thêm với vai trò là công ty thanh toán quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết về mặt hạ tầng, Napas luôn có kế hoạch xây dựng, cài đặt hạ tầng thanh toán mạnh và dự phòng tăng trưởng nóng với số lượng giao dịch qua hệ thống của Napas. Hiện nay Napas luôn dự phòng 50% công suất kể cả cao điểm nhất về số lượng giao dịch cũng chỉ chiếm trên 40% hiệu năng thiết kế của hệ thống.

Hà An
.
.
.