Thủ phủ hoa Đà Lạt kỳ vọng vào thị trường Tết

Thứ Sáu, 28/10/2022, 07:45

Chưa tới 6h sáng, từng mảng sương dày cuối năm vẫn còn phủ trắng dưới các thung lũng, bà Nguyễn Thị Vân, ngụ phường 12, nơi chuyên canh các loại hoa cúc lớn nhất TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cùng hai người con đã lỉnh kỉnh chở theo đồ đạc, phân bón vào vườn, nơi cách nhà khoảng 5km để làm hoa Tết.

Thường lệ, những tháng cuối năm, mẹ con bà Vân phải rời nhà đi làm từ sáng sớm và trở về khi trời đã tối, thậm chí đến tận đêm khuya. Bữa cơm trưa của mẹ con bà được nấu, ăn vội ngay tại vườn hoặc tự đem theo cơm canh từ buổi sáng. Với những người trồng hoa Tết ở Đà Lạt như gia đình bà Vân, đây thực sự là quãng thời gian bận rộn nhất trong năm.

Thế nhưng, hiện vẫn chưa phải là giai đoạn công việc dồn dập nhất. Những ngày thu hoạch hoa sát Tết mới là quãng thời gian cực nhọc. Khi đó, nhà vườn thường phải thuê thêm người, làm quần quật tới 1, 2 giờ sáng mới xong công việc cắt bông, đóng hoa trong ngày để kịp cho xe vào bốc chở đi các chợ đầu mối ở trong và ngoài tỉnh tiêu thụ.

hoa.jpg -0
Nông dân Đà Lạt hối hả xuống giống vụ hoa Tết.

Vụ hoa Tết ở Đà Lạt thường bắt đầu từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 hàng năm Âm lịch. Khi đó, những cơn mưa đã vơi dần và thời tiết chuyển sang se lạnh, rất thích hợp cho việc xuống giống các loại cây trồng, nhất là rau hoa. So với các vụ hoa khác trong năm, làm hoa Tết có chi phí đầu tư cao hơn ít nhất 20% do giá thuê nhân công thu hoạch ngày cận Tết rất cao.

Đây là vụ hoa luôn được các nhà vườn tập trung mọi nguồn lực để sản xuất với kỳ vọng đạt được một mùa bội thu. Nếu được mùa, trúng giá, mỗi gia đình bỏ túi hàng trăm triệu, thậm chí vài tỉ đồng không phải là chuyện hiếm gặp. Nhưng trước hết, nhà vườn phải gieo trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật để đạt được năng suất, chất lượng hoa cao nhất. Tiếp đó, giá cả thị trường những ngày cận Tết sẽ quyết định tới việc vụ mùa hoa Tết thành công hay thất bại.

Nhiều nông dân sản xuất hoa ở Đà Lạt cho biết, họ ngày càng gặp khó khăn, nhiều yếu tố bất lợi khi Đà Lạt đang dần mất đi các lợi thế như cách đây hơn 10 năm về trước. Ngày nay, với sự phát triển của kỹ thuật, nhiều địa phương khác, nhất là các tỉnh miền Trung, miền Tây, vốn là thị trường tiêu thụ chính của hoa Đà Lạt, nông dân cũng đã ứng dụng công nghệ, đưa nhiều loại hoa phổ biến vào sản xuất với quy mô lớn để phục vụ thị trường Tết. Nguồn hoa tại chỗ dồi dào của các địa phương này với chi phí sản xuất thấp đã cạnh tranh mạnh, ảnh hưởng lớn tới thị phần của hoa Đà Lạt.

Thậm chí, những năm gần đây, mỗi dịp Tết đến, người trồng hoa cúc cảnh ở một số tỉnh, thành miền Trung còn vận chuyển ngược lên “thủ phủ hoa Đà Lạt” tiêu thụ với giá cả rất cạnh tranh. Trong khi đó, sau hàng chục năm canh tác, đất đai ở Đà Lạt đã dần thoái hóa, bạc màu, rất dễ nhiễm sâu bệnh cho cây trồng. Điều này đã làm tăng chi phí sản xuất và chất lượng sản phẩm của các loại hoa.

Năm nay, giá phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật tăng mạnh cũng đã đội giá thành đầu tư cho vụ hoa Tết lên cao. Mỗi sào (1.000m2) hoa cúc Tết nhà vườn đầu tư hết từ 35-40 triệu đồng, cao hơn khoảng 5 triệu đồng so với Tết trước. Nếu thị trường hoa Tết vẫn giữ được giá cao và ổn định như thời điểm hiện nay, người trồng hoa cúc ở Đà Lạt vẫn có thể thu về trên dưới 50 triệu đồng/sào tiền lãi sau khi đã trừ đi các chi phí đầu tư. Tính toán trên lý thuyết là vậy nhưng không ít Tết, những người trồng hoa ở Đà Lạt đã phải nếm cảnh thua lỗ vì giá hoa xuống thấp, thị trường tiêu thụ chậm vì nguồn cung quá lớn.

Ông Võ Văn Sang, Chủ tịch UBND phường 12, TP Đà Lạt cho biết, từ đầu năm tới nay, giá các loại hoa tại địa phương luôn giữ ở mức cao và ổn định. Riêng hoa cúc, giá luôn cao hơn gấp đôi so với trung bình năm 2021. “Điều này khiến bà con nông dân ở thủ phủ hoa Đà Lạt rất phấn khởi và kỳ vọng thêm một mùa hoa Tết bội thu!...”, ông Sang nói.

Vậy nên, từ cuối tháng 9 tới nay, người trồng hoa ở TP Đà Lạt và các huyện lân cận như Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng đã hối hả ra đồng xuống giống vụ hoa Tết. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được khống chế nên diện tích bà con nông dân xuống giống năm nay ở Lâm Đồng tăng vọt so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ tính riêng làng hoa Thái Phiên, phường 12, TP Đà Lạt, đến nay nhà vườn đã xuống giống được hơn 114ha hoa các loại. Trong đó, hoa cúc tăng 20ha, lily tăng 4ha, lay ơn tăng 2ha… Giá hoa lily giống năm nay cao hơn những năm trước từ 1.500 - 2.000 đồng/củ, hoa cúc cũng tăng khoảng 150 đồng/cây.

Để chuẩn bị cho vụ hoa Tết, một số doanh nghiệp sản xuất hoa chủ lực ở Đà Lạt cũng đã nhập khẩu thêm nhiều giống hoa mới như hạt hoa mào gà, loa kèn, cúc ma trận, hoa cẩm chướng, thược dược... từ Hà Lan, Thái Lan, Nhật Bản, Israel và Trung Quốc. Việc nhập khẩu và gieo trồng thêm nhiều giống hoa mới sẽ làm phong phú thêm thị trường hoa Đà Lạt trong kỳ thu hoạch sắp tới.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hoa ở Đà Lạt cho biết, tính cả diện tích công ty liên kết sản xuất với người dân, Tết năm nay đơn vị có gần 8ha hoa các loại, trong đó nhiều nhất là hoa cúc, lay ơn, lily, cát tường… Diện tích này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Ông Tuấn đang kỳ vọng vào thị trường hoa Tết năm nay sẽ có “sức bật” lớn vì không còn bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và sức tiêu thụ của người tiêu dùng đã trở lại bình thường.

“Mặc dù chi phí cho việc sản xuất hoa Tết năm nay cao hơn nhiều so với những năm trước nhưng giá cả các loại hoa tăng cao và giữ ổn định từ đầu năm tới nay khiến những người sản xuất hoa chúng tôi đặt nhiều niềm tin vào vụ hoa Tết này!...”, ông Nguyễn Minh Tuấn nói.

Khắc Lịch
.
.
.