Thị trường lao động cuối năm chiếm hơn 64% ở khu vực thương mại - dịch vụ

Thứ Sáu, 14/07/2023, 07:17

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN), có 17,65% DN có xu hướng cắt giảm lao động (tương đương số có nhu cầu tuyển dụng thêm).

Nguyên nhân, do lĩnh vực cơ khí điện thị trường ngày càng bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh, có DN giảm đến 50%. Ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ cũng giảm xuất khẩu (XK) khoảng 15%, trong đó các sản phẩm dăm, viên nén, pallet, đồ gỗ giảm đến 45%... Do vậy, nhiều DN nhỏ và vừa phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động nhằm tiết giảm chi phí sản xuất để duy trì.

HUBA cũng dự báo, trong thời gian tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn khó khăn, nhưng đơn hàng sẽ khá hơn so với những tháng đầu năm do DN từng bước chủ động, linh hoạt ứng phó tốt trong điều kiện sản xuất kinh doanh không mấy tích cực, kiểm soát tốt nguồn nguyên vật liệu, mở rộng tìm kiếm thêm khách hàng, bảo đảm thanh khoản. Do đó, việc DN giữ chân người lao động là cần thiết, đợi khi thị trường khá lên, kỳ vọng sẽ có những đơn hàng lớn.

Thị trường lao động cuối năm chiếm hơn 64%  ở khu vực thương mại - dịch vụ -0

Để hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp như: thu hút đầu tư, giảm lãi suất, hỗ trợ giảm thuế, đồng thời nắm bắt diễn biến của thị trường lao động nhằm hỗ trợ kịp thời cho người lao động tìm kiếm việc làm mới, đa dạng các hình thức để tăng hiệu quả kết nối cung - cầu lao động. Mặc dù bức tranh thị trường lao động đang sáng dần lên, nhưng hoạt động XNK vẫn còn tăng chậm, tình trạng đơn hàng vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, trong khi việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài gặp khó khăn. Điều này dẫn đến tình hình lao động, việc làm tiếp tục có nhiều biến động, việc cắt giảm lao động vẫn xảy ra ở các DN, nhất là các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là các ngành dệt may - giày da; sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử; chế biến gỗ.

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh) trong nửa đầu năm 2023, đơn vị đã khảo sát 42.800 lượt DN và 76.022 người lao động. Kết quả: Các DN cần 23.049 người lao động làm việc với mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng, chiếm 15% tổng nhu cầu nhân lực và cần 39.363 nhân sự (chiếm 25,6%) có mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhu cầu tìm việc của người lao động với mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng chỉ chiếm 0,7% và 11,5% người lao động nhu cầu tìm việc với mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với nhu cầu của DN. Trong khi đó, có gần 90% người lao động khi ứng tuyển, mong muốn có được công việc mức lương trên 10 triệu đồng/tháng. Điều đó cho thấy, DN rất khó tuyển dụng lao động với mức lương thấp.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận có 82.589 người lao động nghỉ việc làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5.066 người so với cùng kỳ năm 2022. Có nhiều nguyên nhân người lao động nghỉ việc, trong đó nguyên nhân chính do DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh dẫn đến giảm giờ làm, thiếu việc; giữa DN và người lao động tiến hành thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc DN không tiếp tục gia hạn hợp đồng lao động.

Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tăng cường thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động để kết nối với người lao động. Bên cạnh trung tâm dịch vụ việc làm công lập, hệ thống các doanh nghiệp dịch vụ việc làm (130 DN) tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm việc. Dự báo trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu lao động vẫn tập trung cao ở khu vực thưong mại - dịch vụ (thương mại, vận tải kho bãi, công nghệ thông tin - truyền thông...) khoảng 90.000 lao động, chiếm tỉ lệ 64,57% trên tổng số nhu cầu.

T.Hà
.
.
.