Tăng cường kiểm soát giá để bình ổn thị trường
Nhằm triển khai các biện pháp quản lý giá, cung cầu hàng hóa trên thị trường TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương đã gửi văn bản kiểm tra, giám sát việc tăng giá hợp lý tới các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối,… Đến nay, sau hơn 10 ngày triển khai, chưa phát hiện đơn vị nào vi phạm và một số siêu thị cũng đã có thông báo giảm giá một số mặt hàng thiết yếu.
Các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường kinh doanh nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, phải đảm bảo giá bán thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng từ 5% -10%; Về nhóm dược phẩm, có 260 mặt hàng thuộc 19 nhóm thuốc có giá bán thấp hơn giá thị trường cùng loại (cùng biệt dược) ít nhất 5%-10%. Các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID -19 như: khẩu trang, nước rửa tay, Gel kháng khuẩn, bán thấp hơn giá thị trường 3%-15%. Mặt hàng phục vụ mùa khai trường: tập học sinh, dụng cụ học tập, cặp, ba lô, túi xách, đồng phục..., giá bán phải luôn thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%-15%.
Về giá bán, kể từ tháng 7 sau nhiều lần giá xăng dầu liên tiếp giảm, Sở Tài chính đã đề nghị các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường rà soát lại mức giá bán để đánh giá, điều chỉnh lại giá phù hợp với mức biến động giảm giá của giá xăng dầu. Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện các DN tham gia bình ổn thị trường đã chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng cung ứng, đảm bảo chất lượng và giá bán đã được Sở Tài chính phê duyệt.
Để nắm bắt kịp thời các biến động trên thị trường, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, các DN bình ổn thị trường, các đơn vị quản lý chợ đầu mối, Ban Giám đốc hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn, đề nghị: UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, báo cáo về Sở Công Thương, Sở Tài chính và đề xuất các phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hàng, tăng giá đột biến; Đối với các hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi...), phải dự báo nhu cầu thị trường, phối hợp chặt chẽ với DN bình ổn thị trường, đơn vị cung ứng chủ lực xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa; chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định, không tăng giá bất hợp lý. Đặc biệt, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng; Với các đơn vị quản lý chợ đầu mối, phải tăng cường kiểm tra, theo dõi lượng hàng hóa xuất nhập, giá cả hàng hóa tại nguồn về chợ, về niêm yết giá... hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm...