Sản xuất xanh là điều bắt buộc để cạnh tranh toàn cầu

Thứ Tư, 30/08/2023, 17:17

Tại tọa đàm về sản xuất và phân phối xanh – giải pháp phát triển kinh tế bền vững do Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 30/8, ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) – cơ quan được Thủ tướng giao chủ trì thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững) khẳng định, sản xuất, tiêu dùng bền vững là một xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn nguyên vật liệu sơ cấp của chúng ta ngày càng cạn kiệt.

Theo ông Cù Huy Quang, thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, hơn 2 năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và nâng cao nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh.

Cụ thể, Bộ đã xây dựng được những phương pháp tính định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp; mô hình thu gom, tái chế; mô hình tái sản xuất, tái sử dụng đối với những mặt hàng, nguyên vật liệu trong một số lĩnh vực, ngành nghề… Trong lĩnh vực tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong việc sử dụng túi ni lông sử dụng một lần bằng những sản phẩm sử dụng vật liệu có thể tái chế được như túi cói và một số vật liệu khác tại các siêu thị, chợ đầu mối…

Sản xuất xanh là điều bắt buộc để cạnh tranh toàn cầu -0
Toàn cảnh tọa đàm

“Việc nhận thức được sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như phân phối xanh giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với những xu thế trên thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và quy định trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, đây trở thành điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp của chúng ta”, ông Cù Huy Quang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hoàng Huân, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tin học, công nghệ, môi trường - Vinacomin (VITE), đơn vị tư vấn của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn cho một đơn vị thuần sản xuất, khai thác khoáng sản, VITE đưa ra các giải pháp dài hạn và ngắn hạn. Cụ thể như lập các đề án bảo vệ môi trường cho khai thác than trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh; phương án xử lý bãi thải mỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2030.

Ngoài ra, triển khai xử lý các sản phẩm sau quá trình khai thác gồm nước thải và đất, đá thải, phát triển kinh tế rừng trên các khu vực bãi thải sau khai thác.

Các đại biểu tham gia diễn đàn cũng chia sẻ nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững như: chính sách chưa đồng bộ, chồng chéo; chi phí chuyển đổi lớn; nhận thức còn hạn chế… Điều này đặt ra yêu cầu có những giải pháp thiết thực hơn nữa. Đó là cơ quan chức năng cần hoàn thiện, đồng bộ các chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất xanh; xây dựng được những tiêu chuẩn về những mô hình kinh tế tuần hoàn...

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động cập nhật thông tin, xu hướng tiêu dùng trong và ngoài nước; lựa chọn công nghệ phù hợp với quy mô phát triển của doanh nghiệp...

Theo các chuyên gia, hiện nay, người tiêu dùng “kỹ tính” hơn, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ rất chủ động tìm những sản phẩm, dịch vụ bảo vệ môi trường bền vững hơn khi họ đi mua hàng. Họ không muốn dùng túi túi ni lông, không mua xôi đựng trong hộp xốp mà yêu cầu đựng trong hộp làm bằng bã mía, lá chuối… Hoặc là họ sẽ chủ động lựa chọn những thương hiệu có trách nhiệm hơn với xã hội.

Trân Trân
.
.
.