Sâm Ngọc Linh chết hàng loạt, người dân lâm cảnh nợ nần

Thứ Ba, 28/06/2022, 08:31

Sâm Ngọc Linh là loại cây đặc hữu của núi rừng được dược sĩ Đào Kim Long cùng đoàn điều tra dược liệu Ban Dân y Quân khu 5 phát hiện lần đầu tiên năm 1973 tại vùng núi Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum. Từ đó đến nay, sâm Ngọc Linh cũng đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, khẳng định là một trong các loài sâm tốt nhất thế giới với 52 hoạt chất saponin chính...

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, trồng 1ha sâm Ngọc Linh sau 10 năm có thể thu lợi nhuận trên 5 tỷ đồng. Với những đặc tính ưu việt và giá trị kinh tế cao như thế, thời gian gần đây, diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, vào tháng 5/2022, cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum phát hiện tình trạng cây bị chết hàng loạt trên địa bàn với các biểu hiện: vàng lá, cây bị teo thắt phần thân tiếp giáp với mặt đất, xuất hiện vết đốm hoặc chấm dạng nước sôi nằm trong phiến lá hoặc mép lá…

Theo thống kê ban đầu, tại huyện Tu Mơ Rông có 39.064 cây (394 hộ) bị chết; trong đó, số cây bị thiệt hại do sâu, bệnh hại là 38.412 cây (393 hộ) và số cây bị chết, ảnh hưởng do mưa đá là 652 cây (13 hộ). Tại huyện Đăk Glei, trong số trên 13.500 cây sâm 1 năm tuổi do các hộ dân ở 2 xã Ngọc Linh và Mường Hoong trồng thì có 2.200 cây đã bị chết, số còn lại (11.300 cây) có tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh khoảng 35-40%.

Sâm Ngọc Linh chết hàng loạt, người dân lâm cảnh nợ nần -0
Cây sâm Ngọc Linh bị vàng lá, chết dần.

Anh A Ghẹo (trú thôn Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) cho biết: “Từ đầu tháng 3, tôi bắt đầu phát hiện các cây sâm Ngọc Linh của gia đình bị chết; không chỉ các cây con mới ươm mà các cây 4-5 tuổi cũng chết. Đến nay, theo thống kê thì gia đình đã có 500 cây bị chết, giá trung bình mỗi cây khoảng 450 nghìn đồng, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng”.

Tương tự, anh A Thuất (trú thôn Pu Tá, xã Măng Ri) cho hay: “Từ đầu tháng 3, khi có cơn mưa đầu tiên, tôi bắt đầu phát hiện vườn sâm Ngọc Linh của gia đình vàng lá, ít bữa sau thì lá rụng và tiếp đó là thối luôn củ sâm. Không chỉ các cây nhỏ mà cây 4-5 tuổi trở lên cũng bị chết. Riêng gia đình tôi có 600 cây 1 tuổi, 70 cây 2 tuổi và 30 cây 3 tuổi trở lên bị chết. Mỗi cây có giá trung bình khoảng 350 nghìn đồng, tổng số tiền thiệt hại gần 250 triệu đồng”.

“Tôi đã vay ngân hàng 100 triệu và bán trâu, bò để có  tiền trồng sâm. Bây giờ tôi rất lo vì không có tiền trả nợ ngân hàng. Tôi mong muốn Nhà nước và ngân hàng có chính sách hỗ trợ, giảm bớt thiệt hại, khó khăn cho người dân”, A Thuất nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri thông tin: Các cây sâm Ngọc Linh xuất hiện tình trạng chết từ năm 2018 nhưng với số lượng ít. Đến năm 2022, số lượng cây sâm Ngọc Linh người dân trồng trên địa bàn xã bị chết tăng đột biến với hơn 22 nghìn cây của 274 hộ.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri, đa số các hộ dân tham gia trồng sâm đều phải bán trâu, bò hoặc vay vốn ngân hàng. Hiện nay, một số hộ vay vốn thông qua các tổ ủy thác đã đến kì trả nợ nhưng không có tiền trả, dẫn đến nợ xấu.

Chia sẻ về việc trồng sâm của người dân tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết thêm: Hầu hết người dân đều trồng sâm Ngọc Linh ở sâu trong rừng, họ cũng không công khai vị trí, số lượng cây trồng vì sợ mất cắp nên rất khó khăn cho chính quyền địa phương trong quá trình thống kê. Cây sâm Ngọc Linh 3-4 năm tuổi mới có thể thu hoạch hạt bán, cây phải từ 7 năm tuổi trở lên mới cho thu hoạch được củ có giá trị. Thời gian trồng kéo dài cộng với nguồn giống chưa ổn định cũng tạo nên nhiều thách thức cho người trồng sâm.

Về phía lãnh đạo huyện, ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông thông tin: Huyện Tu Mơ Rông được xác định là vùng trọng điểm trồng dược liệu của tỉnh nên việc sâm Ngọc Linh chết hàng loạt sẽ ảnh hưởng đến tốc độ giảm nghèo của địa phương và đời sống của người dân trong tương lai. Địa phương đang tiến hành rà soát từng trường hợp người dân vay vốn ngân hàng trồng sâm để có phương án khoanh nợ, giãn nợ cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cũng kiến nghị cơ quan chuyên môn tỉnh Kon Tum cần sớm ban hành quy trình trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn vì hướng dẫn tạm thời quy trình trồng sâm Ngọc Linh của Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum vào năm 2007 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, không thể áp dụng vào thực tiễn.

Trước tình trạng cây sâm Ngọc Linh bị chết hàng loạt trên địa bàn, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp Sở KH&CN và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá việc thực hiện quy trình tạm thời kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh; tiếp cận, kế thừa kết quả thực hiện Đề tài “Nghiên cứu phòng trừ sâu bệnh trên cây sâm Ngọc Linh” đã được công bố và các kết quả nghiên cứu liên quan.

Trên cơ sở đó, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh có ý kiến đối với quy trình tạm thời kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh; nghiên cứu, tham vấn, trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam để có giải pháp hướng dẫn người dân, doanh nghiệp phù hợp và đúng quy định.

Được biết, tính đến cuối năm 2021, tổng diện tích trồng sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum đạt gần 1.160ha. Năm 2022, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu trồng mới 500ha sâm Ngọc Linh, trong đó huyện Đăk Glei 10ha và huyện Tu Mơ Rông 490ha.

Chí Hào
.
.
.