Phát triển Thừa Thiên-Huế theo hướng kinh tế xanh, tăng trưởng xanh

Thứ Tư, 11/05/2022, 09:25

Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm mà tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tập trung triển khai.

Điều này phù hợp với Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định đến năm 2025, Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp (KKT-CN) tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, tính đến đầu tháng 5/2022, các KKT-CN trên địa bàn đã thu hút 155 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 110.000 tỷ đồng. Trong đó, có 34 dự án vốn FDI với vốn đầu tư đăng ký khoảng 68.350 tỷ đồng, tương đương khoảng 3 tỷ USD; giải quyết việc làm cho khoảng 45.000 lao động, tăng 15% so kế hoạch.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là chiến lược lâu dài; trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp sang dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Từ định hướng đó, thời gian qua, Thừa Thiên-Huế đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương của Trung ương để đề ra nhiều chính sách phù hợp thực tiễn địa phương nhằm phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

hue xanh 2.jpg -0
Du khách tham quan Khu di tích Hoàng thành Huế.

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế đánh giá, những năm trở lại đây, địa phương đã vươn lên là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI với nhiều dự án hàng tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau đã tạo điều kiện thuận lợi, môi trường hấp dẫn để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài khác vào tỉnh Thừa Thiên-Huế, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Nhật  Bản, Hàn Quốc, Pháp…

Theo ông Nguyễn Ðại Vui, trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường, như: công nghiệp tin học, phần mềm, điện-điện tử, công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản, thực phẩm, đồ uống, dược, thiết bị y tế, hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng, công nghiệp hỗ trợ cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định, đô thị Thừa Thiên-Huế hàm chứa sự đa dạng về địa hình sông, núi, gò đồi, đầm phá, biển, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa. Lịch sử hình thành đô thị Huế có tính đặc thù riêng: “Huế là một Kinh thành - một Kinh đô và nay là một thành phố di sản văn hóa thế giới”. Vì vậy, để xây dựng và phát triển đô thị Huế, không nhất thiết phải xây nhiều nhà cao tầng, nhiều chung cư san sát nhau, có cư dân thành thị đông đúc và nhiều nhà máy. Quá trình đô thị hóa ở một số nước trên thế giới đã cho thấy bài học nhãn tiền về ô nhiễm môi trường, khói bụi và ách tắc giao thông. Vì vậy, việc phát triển đô thị Thừa Thiên-Huế theo mô hình “Ðô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh” như hiện nay sẽ giúp giảm áp lực về giao thông; về ô nhiễm môi trường sống, đất ở đô thị và các hệ lụy khác về xã hội.

Hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực chống chịu và ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống đô thị trên địa bàn.

Thừa Thiên-Huế cũng sẽ tập trung phát triển một số ngành công nghiệp đi đôi với kiểm soát tốt các tiêu chuẩn về môi trường; ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, các ngành chế biến sâu, công nghệ thông tin và phần mềm.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái. Gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, hình thành hệ thống khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa.

Hàng năm, tỉnh tổ chức lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội để thực hiện như: tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom...

Mới đây, tại hội nghị gặp gỡ “Thừa Thiên-Huế xanh: Xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh” nhằm xúc tiến, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực: du lịch, nông nghiệp, môi trường, điện và năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh. Hội nghị với sự tham dự của hơn 70 doanh nghiệp của Hoa Kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, cuối năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định đến năm 2025, Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Do đó, tỉnh luôn xác định việc áp dụng các giải pháp mô hình kinh tế xanh thay thế cho mô hình kinh tế truyền thống, vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, là một hướng tiếp cận quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được sự phát triển một cách toàn diện, bền vững tại địa phương.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có sự lựa chọn đúng đắn trong đường hướng phát triển kinh tế xanh, bởi đây là xu thế toàn cầu. Tỉnh cũng đã giải quyết được tất cả các vướng mắc, mang lại các điều kiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Rất nhiều doanh nghiệp Mỹ bày tỏ sự mong muốn được tiếp cận, tìm cơ hội đầu tư vào Thừa Thiên-Huế...

Hải Lan
.
.
.