Nỗ lực khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” hải sản khi xuất khẩu vào EU

Chủ Nhật, 24/10/2021, 08:32

Ngày 23/10, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức Hội nghị đánh giá 4 năm triển khai Chương trình Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU.

Cách đây 4 năm, ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã có cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam. Với cảnh báo đó, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc khai thác của Việt Nam đều bị kiểm tra khi xuất khẩu (XK) sang thị trường châu Âu (EU). Đây là một thách thức rất lớn đối với ngành khai thác và chế biến XK hải sản của Việt Nam, bởi những hệ lụy có thể xảy ra như uy tín, thương hiệu của ngành bị ảnh hưởng, XK sang EU bị sụt giảm, hoặc những tác động xấu đến việc XK hải sản sang các thị trường khác.

Tuy nhiên, qua đó cũng để ngành khai thác hải sản đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện lại hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nhận thức rõ sự cần thiết tuân thủ các quy định IUU của EU cũng như quyết tâm chống các hoạt động khai thác IUU, trong những năm qua, Hiệp hội VASEP cùng với các DN chế biến XK hải sản, các cơ quan, ban, ngành đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, nhằm chống khai thác IUU và khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EU.

Nỗ lực khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” hải sản khi xuất khẩu vào EU -0
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản gặp khó khăn do bị “thẻ vàng” tại thị trường EU và bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID -19.

Theo số liệu của VASEP, khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, từ năm 2017 đến năm 2019 XK thủy sản Việt Nam đã bị sụt giảm đáng kể, giảm 12% tương đương 183,5 triệu USD. Trong đó, tổng kim ngạch XK hải sản giảm trên 10%, tương đương giảm 43 triệu USD. Xu hướng này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào cuối năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh COVID -19 đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cũng như chứng nhận khai thác đối với nguyên liệu hải sản XK sang EU.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP khẳng định, EU là thị trường nhập khẩu (NK) lớn của Việt Nam, trong đó thủy sản đóng vai trò quan trọng và EU là thị trường định hướng, mở đường cho thủy sản Việt Nam vào thị trường thế giới. XK thủy sản cuả Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới với các thị trường XK chính là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc…

“Kể từ khi bị “thẻ vàng” thì Việt Nam rất nỗ lực tuân thủ các yêu cầu của EU. “Nếu không khắc phục kịp thời những thiếu sót, không có cải thiện theo đánh giá của EU, thì thủy sản Việt Nam sẽ bị chuyển sang cảnh báo “thẻ đỏ”. Trường hợp bị phạt “thẻ đỏ”, trước mắt thủy sản Việt Nam bị cấm XK sang thị trường EU. Ước tính, ngành khai thác thủy sản Việt Nam sẽ mất đi khoảng 387 triệu USD mỗi năm và tác động gián tiếp đến thủy sản nuôi trồng, không tận dụng được thuế ưu đãi từ Hiệp định EVFTA…”, bà Sắc giải thích.

Với mục tiêu tháo gỡ “thẻ vàng” và sự phát triển bền vững của ngành khai thác và chế biến XK thủy hải sản Việt Nam, các DN cũng đã đồng lòng cam kết chống khai thác IUU bằng những hành động cụ thể: Chỉ thu mua nguyên liệu từ tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ NK thủy hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp... DN chấp nhận XK sang EU không có lợi nhuận để chờ ngày EC gỡ bỏ lệnh cấm “thẻ vàng”.

Đánh giá cao những nỗ lực của các DN, các cơ quan chức năng trong việc quyết tâm thực hiện mục tiêu gỡ bỏ “thẻ vàng”, bà Phan Thị Huệ, Vụ Trưởng Vụ Pháp chế thanh tra - Tổng cục Thủy sản, cũng đưa ra những tồn tại, hạn chế mà ngành Thủy sản Việt Nam cần phải khắc phục ngay để sớm được gỡ bỏ “thẻ vàng”, tăng năng lực XK thủy sản tại thị trường EU.

Cụ thể, phải thực hiện các biện pháp mạnh, đồng bộ, quyết liệt để giảm số tàu cá vi phạm, chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá; hoàn thành việc đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định; đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng; giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản, đúng quy định pháp luật.

“Sắp tới, Đoàn thanh tra EC sang Việt Nam lần thứ 3 để kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác IUU. Vì vậy, nên các thông tin liên quan cần được chuẩn bị đầy đủ, chính xác để làm việc Đoàn thanh tra EC”, bà Huệ thông tin.

Thúy Hà
.
.
.