Nỗ lực giữ chân người lao động
Trong những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) tiếp tục khó khăn do thiếu đơn hàng, thị trường bị thu hẹp, mức lương của người lao động (NLĐ) giảm mạnh. Do đó, nhiều DN cũng đã có những giải pháp để giữ chân NLĐ.
Theo khảo sát của Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA) với hơn 100 DN về hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đến hết tháng 2/2023, kết quả: 83% DN đang gặp khó khăn.
Các yếu tố khó khăn mà DN đang gặp: thị trường bị thu hẹp (41,2%), hàng tồn kho nhiều (30,1%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%), khó tiếp cận nguồn vốn (40%), lãi suất vay cao (43%), thủ tục vay phức tạp và tốn nhiều thời gian (28,2%)... Nhiều DN dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn nguyên nhân là do không có đơn hàng dự trữ.
Về đơn hàng, ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ tiếp tục giảm mạnh, dự kiến còn giảm đến hết quý 2/2023 với mức giảm khoảng 50-60%. Nguyên nhân, thị trường XK chủ lực là EU, Mỹ sụt giảm tiêu thụ, trong nước thì người dân, DN hạn chế mua sắm, xây dựng công trình hoặc hoạt động sửa chữa; các DN ngành dệt may bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng cao.
Bên cạnh đó, tỷ giá USD đang biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu (NK) nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu (XK), dẫn đến sức ép giảm lợi nhuận; Các DN ngành lương thực, thực phẩm hoạt động cần ứng trước chi phí trả trước mùa vụ, trong khi áp lực đầu vào tăng cao. DN cần vay vốn với mức lãi suất phù hợp, hỗ trợ DN để giữ chân khách hàng, giữ thị trường và góp phần thúc đẩy nền kinh tế phục hồi tốt hơn...
Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy, số DN có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý 2 năm 2022 xuống còn 65% của quý I/2023. Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới.
Lo lắng tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, ông Nguyễn Khắc Hoàng – Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP Hồ Chí Minh giảm 12,5%, DN rời khỏi thị trường tăng cao so với số DN mới tham gia thị trường. Trong khi đó ở các năm trước, số DN tham gia thị trường lúc nào cũng cao hơn gấp đôi số DN rời bỏ. Điều này chứng tỏ, DN khó khăn nhiều, nguy cơ cắt giảm lao động cao.
Chỉ trong thời gian ngắn trở lại đây, thị trường lao động liên tục chứng kiến sự chia tay của hàng ngàn NLĐ đối với DN sản xuất. Đơn cử, cuối tháng 2, Công ty PouYuen (quận Bình Tân) cho thôi việc 2.358 lao động.
Trước đó, báo cáo với Liên đoàn Lao động quận Bình Tân, Công ty PouYuen dự kiến, trong năm sẽ không tiếp tục ký hợp đồng với khoảng 3.000 NLĐ có hợp đồng từ 1-3 năm. Tương tự, Công ty TNHH R.L Việt Nam - chuyên sản xuất giày da ở Khu chế xuất Linh Trung II (TP Thủ Đức) cũng giảm hơn 2.000 lao động qua hình thức không tái ký hợp đồng do đơn hàng chỉ còn khoảng 30% so với trước; Công ty F&P – chuyên sản xuất linh kiện điện tử ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cắt giảm 80 lao động…
Trước Tết Nguyên đán, Công ty TNHH Samho (huyện Củ Chi) cắt giảm hơn 1.400 lao động. Hiện tại, ngoài tạm hoãn hợp đồng lao động với 500 người, DN cũng bố trí nghỉ luân phiên không hưởng lương với nhiều lao động khác…
Trước tình hình khó khăn đó, nhiều DN cũng xoay xở mọi cách để giữ chân NLĐ để chờ đợi thị trường phục hồi. Tuy nhiên, vẫn có một số DN nhận đơn hàng đều đặn nhờ có thương hiệu, có uy tín chất lượng.
Đơn cử, Công ty cổ phần bánh kẹo Á Châu (ABC Barkery). Từ khoảng quý III/2022, rất nhiều DN trong nước thiếu đơn hàng nghiêm trọng, nhưng từ giữa tháng 6/2022 Barkery ABC đã ký kết hợp đồng với một DN Singapore XK các loại bánh ngọt, bánh mì…đưa vào các khách sạn 5 sao tại đảo quốc sư tử. Trong năm nay, đối tác Singapore tiếp tục đặt hàng, dự kiến mỗi tháng DN XK 4-5 container/40 feet, (7-8 tấn/container).
Theo chia sẻ cuả ông Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc ABC Barkery, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn do thiếu lao động. Đặc biệt, một số DN Singapore do không tìm được NLĐ, hoặc chi phí thuê nhân công rất đắt đỏ nên đã chuyển đơn hàng sang Việt Nam vì chi phí nhân công thấp, giá thành rẻ…. Do đó, thị trường Việt Nam có cơ hội đón làn sóng đầu tư nước ngoài đổ về.
Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, DN Singapore tìm đến những DN có thương hiệu, uy tín, họ đến thẳng nhà xưởng để kiểm tra máy móc thiết bị, nhân sự… và đặc biệt tiêu chí chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu.
“Qua đó cho thấy, việc áp dụng công nghệ mang lại hiệu quả và cơ hội DN. Cơ hội này không phải ai cho mà DN phải tự nắm bắt. DN cần phải đặt chất lượng lên hàng đầu và phải duy trì, vì có những DN ban đầu làm ra sản phẩm rất tốt. Tuy nhiên, sau khi có được khách hàng thì chủ quan, chất lượng rớt từ từ thì DN sẽ bị sa thải khỏi cuộc chơi”, ông Lực nói.
Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh cũng dự báo, trong quý 2 hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn tiếp tục còn khó khăn khi kim ngạch XK nhiều ngành hàng sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 và sức mua của thị trường toàn cầu ở mức thấp.
Do đó, đề nghị các DN từng bước chủ động, linh hoạt ứng phó tốt trong điều kiện sản xuất kinh doanh không mấy tích cực, kiểm soát tốt nguồn nguyên vật liệu, mở rộng tìm kiếm thêm khách hàng, đảm bảo thanh khoản, qua đó giữ chân NLĐ đợi thị trường khá lên.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, để hỗ trợ DN sản xuất và XK gặp khó khăn về phát triển thị trường, sắp tới Sở sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại như khuyến mãi tập trung, tổ chức khoảng 500 hội chợ trong năm 2023. Đối với hoạt động XK, hỗ trợ DN tìm cơ hội vào các thị trường mới, trong đó phát triển ngày hội TP Hồ Chí Minh - Ngôi nhà Việt Nam ở các nước và một hội chợ chuyên hàng XK.