Thực hư chuyện người lao động bị “bán” ở Lâm Đồng

Thứ Hai, 20/03/2023, 05:35

Trước thông tin nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) phải vay mượn tiền để “chuộc” lại con em mình chỉ sau thời gian ngắn vào Lâm Đồng làm việc, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc, làm rõ.

Theo anh Hồ Văn Son (SN 1986, trú thôn A Rông, xã Lìa, huyện Hướng Hóa), nghe nhiều người trong xã truyền nhau thông tin ở tỉnh Lâm Đồng đang tuyển dụng lao động “việc nhẹ lương cao”, anh cùng em trai là Hồ Văn Xơi (SN 2001) đăng ký tham gia. Ngày 17/2, đoàn 18 người cùng ở xã Lìa được một ôtô đón ra ngã ba tiếp giáp với quốc lộ 9 rồi lên xe giường nằm vào tỉnh Lâm Đồng. Tới nơi, họ lăn tay vào hồ sơ việc làm với thỏa thuận chăn nuôi heo và bị giữ căn cước công dân.

lao dong.jpg -0
18 người tới từ Quảng Trị tìm việc làm thông qua giới thiệu của Công ty TNHH Đức Hoàng.

Sau đó nhóm này được chia ra làm việc ở nhiều nơi với những công việc khác nhau. Anh Son cùng em trai và 2 người cháu được chủ thỏa thuận ngày làm việc 8 tiếng, được bố trí chỗ ở tại chỗ nhưng phải tự lo tiền ăn uống. Công việc mỗi ngày của nhóm anh Son là thu hoạch rau, nhổ cỏ, làm vườn... trong nhà kính. Hằng tháng, mỗi người được chủ sử dụng lao động thỏa thuận trả lương 7 triệu đồng.

Làm được vài ngày, thấy công việc nặng nhọc, không phù hợp nên nhóm của anh Son muốn nghỉ việc để tìm công việc khác nhưng chủ sử dụng lao động không đồng ý. Chủ trang trại yêu cầu những người này phải tiếp tục làm việc hoặc muốn về thì phải nộp lại số tiền chủ đã bỏ ra chi trả cho đơn vị môi giới việc làm. Nhóm của anh Son cho rằng mình đã bị các đối tượng “lừa đảo” đem ra “bán” như hàng hóa nên rất lo sợ. Anh Son đã liên lạc với gia đình, nhờ cha mẹ vay mượn tiền, chuyển khoản cho chủ sử dụng lao động nhằm “chuộc” lại mình, em ruột và hai người cháu.

Để “giải cứu” 4 người trên, gia đình các nạn nhân ở quê nhà đã phải làm thủ tục vay gần 14 triệu đồng từ tổ tiết kiệm của thôn để chuyển khoản cho chủ trang trại. Sau khi nhận được tiền, chủ sử dụng lao động đã trả công làm việc cho nhóm người của anh Son 1 triệu đồng rồi tự bắt xe về quê. Tương tự, anh Hồ Văn Thao (SN 2002, trú thôn A Rông, xã Lìa, huyện Hướng Hóa) cũng đã phải nhờ bố vay hơn 3,4 triệu đồng chuyển khoản cho chủ sử dụng lao động mới được về nhà.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ. Kết quả xác minh bước đầu xác định, nhóm 18 người ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vào Lâm Đồng tìm kiếm việc làm thông qua Công ty TNHH Đức Hoàng (xã NThol Hạ, huyện Đức Trọng). Công ty  này có chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm, dịch vụ lưu trú, mua bán nông sản...

Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện doanh nghiệp trên cho biết, ngày 18/2 có 18 người từ xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tới liên hệ, tìm kiếm việc làm tại công ty. Những người này không có tiền để trả tiền xe và tiền ăn uống dọc đường nên khi tới đây, nhóm người đã được công ty ứng tiền trả tiền xe và ăn uống mỗi người là 1.050.000 đồng. Số tiền này khi chủ sử dụng lao động tới ký hợp đồng thì trả lại cho công ty, sau đó chủ sử dụng lao động sẽ trừ trực tiếp vào tiền lương của người lao động. Doanh nghiệp trên đã làm hợp đồng cung ứng lao động cho các chủ cơ sở sử dụng lao động.

Theo thỏa thuận của doanh nghiệp, người đến xin môi giới việc làm tại doanh nghiệp này phải trả chi phí cung ứng là 1,5 triệu đồng/người. Người không có tiền thì được ứng trước tiền lương của người ký hợp đồng nhận sử dụng lao động để trả cho bên môi giới.

Người lao động tới xin môi giới việc làm và chủ sử dụng lao động sẽ ký hợp đồng cung ứng lao động theo hình thức 3 bên thỏa thuận công việc, tiền lương. Chủ sử dụng lao động làm một hợp đồng lao động riêng với người lao động về việc cho người lao động ứng tiền trả tiền xe là 1.050.000 đồng/người và tiền phí môi giới lao động 1.500.000đ/người.

Số tiền này được trừ vào tiền lương tháng đầu tiên của người lao động. Khi các bên đã thống nhất tiền lương và công việc thì ký hợp đồng, chủ sử dụng đưa người lao động về nơi làm việc. Cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra hồ sơ của 18 công dân đến từ huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Kết quả đều có sự thỏa thuận và ký kết giữa các bên liên quan.

18 người tới từ tỉnh Quảng Trị được chủ sử dụng lao động đưa về làm việc ở nhiều địa phương khác nhau của tỉnh Lâm Đồng như huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Đạ Huoai… Đến nay, có 10 người đã xin nghỉ làm việc và người nhà phải trả tiền ứng của chủ lao động để trả phí môi giới việc làm. 8 người khác vẫn đang làm việc.

Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lâm Đồng, trước khi vào Lâm Đồng tìm kiếm việc làm, người lao động cần tìm hiểu kỹ về thông tin, hình thức tuyển dụng lao động, công việc mong muốn và phù hợp với bản thân. Nếu người lao động tìm việc làm thông qua công ty có chức năng giới thiệu việc làm thì phải mất tiền môi giới và các chi phí phù hợp khác theo thỏa thuận.

Thực tế, những năm qua, đã có rất nhiều trường hợp từ các địa phương khác, nhất là các tỉnh miền Trung đã bị “cò lao động” hứa hẹn vào Lâm Đồng sẽ bố trí “việc nhẹ lương cao”, không mất tiền xe, ăn uống dọc đường.

Tuy nhiên, khi tới nhận việc làm người lao động mới hay toàn bộ chi phí (vé xe, ăn uống, môi giới…) đều bị chủ sử dụng lao động trừ trực tiếp vào tháng lương đầu tiên sau khi đã ứng ra chi trả trước cho bên công ty giới thiệu việc làm. Điều này cùng với công việc lao động nặng nhọc, không hề có chuyện “việc nhẹ lương cao” như hứa hẹn trước đó của “cò lao động” khiến cho người lao động “bị sốc”, có cảm giác như mình đã bị các đối tượng lừa đảo, “bán người đòi tiền chuộc”.

Khắc Lịch
.
.
.