Những lưu ý để tránh rủi ro khi xuất khẩu vào thị trường châu Phi

Chủ Nhật, 29/05/2022, 08:59

Với quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu dùng cao trong khi sản xuất nội khối chưa phát triển, châu Phi được nhận định là thị trường xuất khẩu (XK) tiềm năng cho nhiều loại hàng hoá của Việt Nam, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản, thủy hải sản... Tuy nhiên, đây là thị trường có nhiều rủi ro, nên doanh nghiệp (DN) cần tìm hiểu kỹ trước khi tiến hành XK…

Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với tất cả 54 quốc gia ở khu vực châu Phi, trao đổi thương mại hai chiều có mức tăng trưởng khả quan trong những năm qua. Năm 2020, kim ngạch XNK Việt Nam - châu Phi đạt 6,7 tỷ USD,năm 2021, đạt hơn 7 tỷ USD.Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK của Việt Nam sang Châu Phi đạt 591,7 triệu USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam NK từ châu Phi đạt giá trị 447,1 triệu USD.

Trong các nước châu Phi, Nigeria là thị trường XK quan trọng của Việt Nam tại khu vực Tây Phi. Do nền nông nghiệp và công nghiệp của Nigeria chưa thực sự phát triển, nên buộc quốc gia này phải NK khoảng 90% lượng hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước. Năm 2021, tổng giá trị NK hàng hóa của Nigeria đạt 50,4 tỷ USD, trong khi Việt Nam XK sang Nigeria chỉ đạt 158,04 triệu USD (tăng 17,1% so với năm 2020) và XK 2 tháng đầu năm 2022 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021.

chau phi.jpg -0
Doanh nghiệp thận trọng khi xuất khẩu vào thị trường châu Phi để tránh rủi ro.

Mặc dù tỷ trọng XK của Việt Nam sang Nigeria năm sau tăng hơn năm trước nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn so với tổng giá trị NK của nước này. Điều đó cho thấy, sản phẩm của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh XK sang thị trường Nigeria, nhất là các mặt hàng nông sản, thủy hải sản. Bên cạnh đó, Nigeria là thị trường không quá khắt khe đối với hàng NK phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng, nên đây cũng là cơ hội cho DN Việt Nam.

Bên cạnh thị trường 200 triệu dân của Nigeria, thì thị trường Algeria cũng là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi. Là quốc gia có diện tích lớn nhất châu Phi và nằm ở khu vực Bắc Phi, Algeria có nền kinh tế lớn thứ 4 châu Phi, dân số tương đối đông với hơn 44 triệu người và có sức mua khá lớn. Cũng giống như Nigeria, mặc dù Algeria là thị trường đầy tiềm năng và là cửa ngõ quan trọng giúp các DN Việt Nam tăng cường đầu tư và hợp tác thương mại với các nước châu Phi, nhưng thương mại song phương giữa Việt Nam và Algeria vẫn còn khá khiêm tốn.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 300 triệu USD năm 2017, trong đó Việt Nam XK đạt khoảng 281 triệu USD. Do tác động của đại dịch COVID-19 và chính sách hạn chế NK của Algeria, năm 2021 kim ngạch XK của Việt Nam sangthị trường này chỉ đạt 153 triệu USD và 3 tháng đầu năm nay đạt 30,6 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Để hỗ trợ DN Việt XK, tại buổi tư vấn XK thủy sản sang thị trường châu Phi chiều ngày 26/5, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương cho biết, với quy mô dân số lớn khoảng 1,3 tỷ người, đặc biệt có nhu cầu NK cao nhiều loại mặt hàng phù hợp với hàng XK chủ lực của Việt Nam, châu Phi thực sự là khối thị trường mang lại đa dạng cơ hội cho DN Việt Nam. Riêng mặt hàng thuỷ sản, các loại cá nước ngọt ngày càng được người dân châu Phi ưa dùng do thay đổi thói quen tiêu dùng thịt sang các loại thuỷ sản. Hơn nữa, năng lực đánh bắt nuôi trồng một số loại thủy sản của các nước trong khối không cao.

Tại buổi tư vấn, ông Hoàng Đức Nhuận - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Algeria, thông tin: Algeria có đường bờ biển dài nhưng sản lượng đánh bắt còn hạn chế, hàng năm Algeria phải NK khoảng 32.000 tấn thủy hải sản, chủ yếu là cá phi lê. Ông Trần Hùng Cường – Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nigeria cũng cho biết, năng lực khai thác thuỷ hải sản ở Nigeria vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nhu cầu của Nigeria khoảng 3,32 triệu tấn/năm, trong khi khai thác chỉ đạt khoảng 1,12 triệu tấn/năm, nên cầnNK khoảng 2,2 triệu tấn/năm, chủ yếu là cá đông lạnh.

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản ở thị trường châu Phi là khá lớn, nhưng hiện nay giá sản phẩm tăng cao đang là yếu tố khiến thủy hải sản cuả Việt Nam khó tiêu thụ tại thị trường này. Bên cạnh đó, vấn đề về thuế cũng đang là thách thức lớn đối với thuỷ sản Việt Nam XK vào thị trường châu Phi, nhất là với các quốc gia có thoả thuận thương mại với châu Phi. Như tại Algeria thuế NK thuỷ sản hơn 50%, Ai Cập từ 5-20% tuỳ loại sản phẩm… Mặc dù vậy, nhưng do nhu cầu tiêu dùng tăng, trong khi sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nên vẫn còn nhiều dư địa cho thuỷ sản Việt Nam tăng tốc XK vào thị trường này.

Dù tiềm năng XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường các nước châu Phi được đánh giá còn khá lớn, nhưng đại diện Thương vụ Việt Nam tại nhiều quốc gia châu Phi khuyến cáo: DN Việt Nam cần thận trọng trong giao thương với đối tác châu Phi bởi trên thực tế trong thời gian qua cũng đã xảy ra tình trạng lừa đảo trong giao dịch. Cụ thể, đối tượng chấp nhận bất cứ giá chào hàng NK nào từ DN Việt Nam hoặc đối tượng chào hàng XK sang Việt Nam với giá thấp, sau đó yêu cầu DN trả 1 khoản phí - đặt cọc, rồi chiếm dụng… Để tránh những rủi ro khi giao dịch và xúc tiến thương mại hiệu quả với thị trường châu Phi, khi tiến hành XK, các DN cần tìm hiểu kỹ về thị trường cũng như các chính sách về thuế quan, luật lao động, phương thức thanh toán, tranh chấp, việc thu hồi nợ…

Thúy Hà
.
.
.