Nhiều lựa chọn cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc

Thứ Bảy, 25/06/2022, 07:47

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tính đến ngày 15/6, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người. Đáng chú ý, số lao động này chủ yếu xuất cảnh trong tháng 4 và tháng 5, bởi 3 tháng đầu năm hầu hết các thị trường vẫn đang đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hoạt động xuất khẩu lao động trở lại bình thường là tin vui với hàng chục nghìn lao động đang có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài hiện nay.

Hướng đến các thị trường thu nhập cao

5 năm qua, xu hướng mà người lao động Việt Nam lựa chọn khi ra nước ngoài làm việc đang dần dịch chuyển sang các nước phát triển như: Mỹ, Canada, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc... do thu nhập tại các nước này khá cao. Ngoài thu nhập cao, lựa chọn những thị trường này còn giúp người lao động nâng cao tay nghề và trình độ ngoại ngữ, tuy vậy các tiêu chuẩn tiếp nhận cũng ở mức cao hơn. Đi làm việc ở nước ngoài khi không có trình độ tay nghề đồng nghĩa với điều kiện làm việc không bảo đảm và thu nhập cũng thấp, do đó không còn hấp dẫn người lao động.

Ban đầu cân nhắc tìm hiểu cơ hội làm việc tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) theo tư vấn của bạn bè và gia đình, tuy nhiên sau khi tìm hiểu kỹ, chị Nguyễn Ngọc Anh (25 tuổi, quê ở Bắc Ninh) đã quyết định theo học kỹ năng và tiếng Nhật để có thể sang Nhật Bản làm việc. "Ban đầu nghe tư vấn tôi cũng có ý định sang Đài Loan làm việc bởi chi phí đi thấp và yêu cầu tuyển chọn cũng không quá cao. Tuy nhiên khi tìm hiểu về mức thu nhập và các loại hình công việc đi làm việc ở Đài Loan, tôi đã lựa chọn lại.

Nhiều lựa chọn cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc -0
Xuất khẩu lao động Việt Nam đang hướng đến những thị trường có thu nhập cao. Ảnh minh họa

Bên cạnh thu nhập cao hơn nhiều so với ở Đài Loan, làm việc ở Nhật Bản sẽ giúp chúng tôi tích lũy, học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm để sau này về nước có thể làm việc tốt hơn. Nếu mọi thứ thuận lợi sang đầu năm sau tôi có thể đi được", chị Ngọc Anh chia sẻ. Cũng theo chị Ngọc Anh, với việc đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Xây dựng, làm việc ở môi trường như Nhật Bản sẽ có cơ hội nâng cao bộ kỹ năng để sau này phát triển nghề nghiệp, chứ không chỉ đơn thuần như đi lao động phổ thông ngành xây dựng khi đi làm việc ở Đài Loan.

Cũng đang học tiếng đi làm việc ở Singapore, nhưng anh Nguyễn Văn Tính (26 tuổi, quê ở Bắc Giang) đã quyết định bỏ ngang quyết tâm luyện thi lấy chứng chỉ IELTS tiếng Anh. Lý do theo anh Nguyễn Văn Tính là cũng mất 3 năm đi làm việc ở nước ngoài thì cố gắng chọn thị trường nào có thu nhập tốt hơn và có cơ hội trau dồi thêm kinh nghiệm.

"Mới đây Việt Nam và Australia đã ký thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Lao động sang đây làm việc có mức lương khoảng 50 - 60 triệu đồng/tháng. Trong khi đó nếu làm việc ở Singapore thì mức lương cũng chỉ khoảng 30 triệu/tháng, chính vì vậy mà tôi cân nhắc. Để đủ điều kiện cấp visa làm việc ở các thị trường như Australia thì ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc, chính vì thế tôi quyết tâm học thêm tiếng Anh", anh Tính cho biết.

Yêu cầu sẽ khắt khe hơn

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022 là đưa 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thời điểm này, hầu hết các nước đều có chính sách thích ứng với dịch bệnh COVID-19 nhằm phục hồi nền kinh tế thông qua đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Do đó, nhu cầu tiếp nhận lao động sẽ gia tăng, đây là thời cơ thuận lợi để tăng cường đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

"Bên cạnh các thị trường truyền thống, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước để mở rộng thị trường như: CHLB Đức, Liên bang Nga, Israel và một số thị trường châu Âu khác", ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.

Ông Liêm cho biết thêm, thời gian tới Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sẽ tập trung đẩy mạnh gắn kết giữa doanh nghiệp dịch vụ và các nhà trường trong việc chuẩn bị, tạo nguồn. Cùng với đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường chất lượng trong công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động (về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật) đáp ứng được yêu cầu của nước tiếp nhận.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, các nước tiếp nhận ngày càng khắt khe hơn trong việc yêu cầu tuyển chọn lao động, nhất là các thị trường có mức lương cao. Do vậy, ông Quỳnh khuyến cáo lao động Việt Nam muốn ra nước ngoài làm việc, ngoài sức khỏe còn phải trang bị cho mình chuyên môn nghề nghiệp vững chắc, ngoại ngữ thật tốt để thuận lợi cho giao tiếp trong công việc và cả cuộc sống.

Phan Hoạt
.
.
.