Nhiều giải pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn thực phẩm

Thứ Bảy, 01/07/2023, 07:54

Trong tháng cao điểm an toàn thực phẩm (ATTP) vừa qua, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức 154 đoàn kiểm tra từ tỉnh đến xã. Cục QLTT kiểm tra 15 cơ sở thì cả 15 cơ sở đều vi phạm. Quá trình kiểm tra cho thấy, do tập quán tiêu dùng của người dân và lợi ích cục bộ của một số ít cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tình trạng không đảm bảo vệ sinh ATTP vẫn chưa dứt điểm.

Ông Phan Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, hưởng ứng Tháng ATTP năm 2023 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, vừa qua, Cục QLTT tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP. Qua kiểm tra 15 cơ sở thì cả 15 vụ đều vi phạm, trong đó, đơn vị đã xử phạt 5 vụ về niêm yết giá hàng hóa là thực phẩm; 3 vụ xử phạt về hành vi kinh doanh thực phẩm hỏng; 4 vụ xử phạt hành vi nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng gây hại xâm nhập; 3 vụ xử phạt về hành vi tiếp xúc trực tiếp thực phẩm nhưng không mang bảo hộ lao động…

thuc-pham1.jpg -0
Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an Thừa Thiên-Huế kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh thực phẩm My My.

“Quá trình kiểm tra cho thấy, do tập quán tiêu dùng của người dân và lợi ích cục bộ của một số ít cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tình trạng không đảm bảo ATTP vẫn chưa dứt điểm. Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… vẫn còn xảy ra. Việc sử dụng hóa chất, phụ gia, phẩm màu ngoài danh mục cho phép trong chế biến, bảo quản thực phẩm ngày càng tinh vi, khó kiểm tra, phát hiện”, ông Phan Hùng Sơn chia sẻ.

Trước tình hình đó, Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành Quyết định về kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về ATTP năm 2023. Trong đó, chú trọng hậu kiểm, xử lý các cơ sở kinh doanh thực phẩm theo phương thức đa cấp, thương mại điện tử trên địa bàn quản lý đối với các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ phục vụ công tác quản lý, kiểm tra về ATTP.

Phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm liên quan đến ATTP theo đúng thẩm quyền, góp phần tích cực đưa hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ATTP vào ổn định, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, phòng ngừa các bệnh truyền qua thực phẩm… Mới đây, Cục QLTT đã tổ chức tuyên truyền và cho ký cam kết kinh doanh hàng hóa đảm bảo ATTP đối với 57 cơ sở kinh doanh trên địa bàn một số huyện, thị và thành phố trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong đợt hưởng ứng Tháng ATTP năm 2023 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh đã kiểm tra 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống. Qua đó, phát hiện 1 cơ sở vi phạm về ATTP. Ngoài các hình thức xử phạt hành chính, còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả có thời hạn đối với 4 cơ sở (tem, nhãn phụ…).

Riêng, Sở NN&PTNT kiểm tra 9 cơ sở sản xuất nem chả; chế biến nước mắm; quay gia súc, gia cầm; rang xay cà phê. Và tất cả các cơ sở trên chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, chưa thực hiện việc ghi chép sổ sách, nhật ký truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm thành phần… Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở khẩn trương đăng ký thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP theo đúng quy định; sắp xếp, bố trí lại mặt bằng nhà xưởng, khu vực sản xuất sạch sẽ, gọn gàng. Đồng thời, yêu cầu đầu tư một số dụng cụ, trang thiết bị đảm bảo hiệu quả trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm.

Là một trong những lực lượng chủ động trong phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường; trong đợt cao điểm vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phát hiện 4 vụ việc, 4 đối tượng (3 cá nhân, 1 tổ chức) vi phạm các quy định về ATTP và đã ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 40 triệu đồng.

Ngoài đợt cao điểm, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh còn thường xuyên kiểm tra đột xuất tại các cơ sở mua bán thực phẩm. Điển hình, ngày 12/6, qua kiểm tra đột xuất cửa hàng My My Nguyễn tại địa chỉ 39/15 Tôn Quang Phiệt (phường An Đông, TP Huế), Công an phát hiện hơn 400kg thịt các loại: heo, bò, gà… được gói sẵn trong các túi nilon nhưng không có nhãn hàng hoá hoặc có nhãn ghi tên sản phẩm nhưng không rõ cơ sở sản xuất. Số hàng hóa này đã được niêm phong để xử lý theo quy định pháp luật. Ngoài ra, trong tháng 5/2023, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế còn phát hiện 14 vụ việc vi phạm quy định của pháp luật về ATTP.

Theo Chi cục An toàn VSTP tỉnh Thừa Thiên-Huế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều cơ sở mới tổ chức hoạt động sản xuất trở lại nên có tâm lý sản xuất cầm chừng, thăm dò thị trường nên ít nhiều chưa thật sự quan tâm đến các quy định về vệ sinh ATTP. Một số cơ sở có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hoạt động cầm chừng. Hầu hết các cơ sở có khu vực sản xuất chật hẹp, được bố trí nằm trong khu vực sinh hoạt của gia đình nên điều kiện sản xuất còn hạn chế; một cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP do chủ cơ sở chưa nắm được các quy định của nhà nước đối với ngành nghề sản xuất, kinh doanh có điều kiện; việc tiếp cận, cập nhật thông tin và nhận thức của chủ cơ sở đối với các quy định của pháp luật về ATTP còn hạn chế…

Ông Phan Hùng Sơn cho rằng, Thừa Thiên-Huế là nơi tập trung nhiều cơ sở du lịch, dịch vụ, các trường đại học, cao đẳng và có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Từ khi tình hình dịch COVID-19 bắt đầu được kiểm soát, tỉnh quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với kích cầu phát triển du lịch, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế - đô thị được hình thành và phát triển, nhiều hoạt động được tổ chức thường xuyên vào các dịp lễ, Tết, lễ hội Festival bốn mùa... đã thu hút lượng lớn du khách và người lao động đến Huế.

“Vì vậy, việc triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn là một trong những vấn đề quan tâm nhất hiện nay vì ATTP không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội của tỉnh”, ông Sơn chia sẻ thêm.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030. Không riêng gì địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế mà đối với tất cả các địa phương của cả nước, để giải quyết vấn đề ATTP hiện nay, cần sự đồng bộ từ 3 phía giải pháp: Cơ chế - chính sách; kinh tế - xã hội; Khoa học - công nghệ cũng như hành động từ phía: Nhà nước, người sản xuất và người tiêu dùng.

Hải Lan
.
.
.