Phát hiện nhiều cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm

Chủ Nhật, 01/01/2023, 06:45

Trong năm 2022, ngành chức năng TP Hồ Chí Minh đã lấy tổng cộng 10.581 mẫu kiểm tra, giám sát chất lượng đối với các thực phẩm có nguy cơ cao tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm, chợ truyền thống, kênh phân phối hiện đại, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả, 10.339 mẫu đạt (tỷ lệ 97,71%) và 242 mẫu không đạt (tỷ lệ 2,29%).

Qua hoạt động giám sát mối nguy an toàn thực phẩm và kiểm nghiệm cho thấy, đối với công tác giám sát chủ động, tổng số mẫu xét nghiệm năm 2022 là 5.983 mẫu (tăng 137.7% so với cùng kỳ năm 2021) với số mẫu không đạt là 147 mẫu (tỷ lệ 2.46%). Kết quả kiểm nghiệm trong quá trình thanh, kiểm tra tổng số mẫu xét nghiệm là 4.598 mẫu, số mẫu không đạt là 95 mẫu (tỷ lệ 2.07%).

phat hien 1.jpg -0
Cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm tại cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Đối với công tác giám sát điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, ngành chức năng đã triển khai giám sát an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại 194 cơ sở chế biến suất ăn sẵn. Kết quả, 53 cơ sở đạt, 5 cơ sở không đạt, 32 cơ sở bổ sung hồ sơ, 13 cơ sở tạm ngưng hoạt động, 91 cơ sở ngưng hoạt động. Thực hiện giám sát 104 cơ sở bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Kết quả, 72 cơ sở đạt; 4 cơ sở không đạt đã chuyển thanh tra theo dõi, xử lý; 28 cơ sở ngưng hoạt động, tạm ngưng hoạt động, không tổ chức bếp ăn.

Năm 2022, TP Hồ Chí Minh tập trung kiểm tra có trọng điểm theo chuyên đề Tết, tháng hành động, Tết Trung thu,… nhằm hướng dẫn, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm lưu thông trên thị trường. Song song đó, kiểm tra theo chuyên đề về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các trường học trước thềm năm học mới; kiểm tra các bếp ăn tập thể, đơn vị cung cấp suất ăn sẵn tại các Khu chế xuất – Khu công nghiệp nhằm hướng dẫn thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, khuyến cáo, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn tăng cường quản lý địa bàn, xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, giá, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Kết quả đã thanh tra, kiểm tra 36.286 cơ sở, phát hiện 6.101 cơ sở vi phạm, xử phạt 1.046 cơ sở tổng số tiền trên 15 tỷ đồng, tịch thu/tiêu hủy 17.481kg và 140.065 đơn vị sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng/không rõ nguồn gốc, xuất xứ; đình chỉ hoạt động có thời hạn 2 cơ sở; tước quyền sử dụng giấy phép 1 cơ sở; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp trên 7 triệu đồng; buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm 2 cơ sở; buộc thu hồi, tiêu hủy35 sản phẩm; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn 2.039 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe; tang vật vi phạm bị tạm giữ 568.002 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 11 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý 8 cơ sở, đang tiếp tục xử lý 1 cơ sở, nhắc nhở 5.053 cơ sở chủ yếu kinh doanh thức ăn đường phố.

Đối với công tác quản lý thức ăn đường phố, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, Ban Quản lý thường xuyên phối hợp với UBND quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai các giải pháp cải thiện điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố cho tổng số 13.506 cơ sở.

Thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm, hỗ trợ khám sức khỏe cho người hành nghề, xã hội hóa việc trang bị thiết bị, dụng cụ hỗ trợ cho người kinh doanh thức ăn đường phố; xây dựng các mô hình thức ăn đường phố điểm; kiểm soát an toàn thực phẩm (tuyến đường, khu phố, phường/xã) đã góp phần cải thiện việc chấp hành các yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm kinh doanh thức ăn đường phố và tạo hiệu ứng tiếp tục dần xây dựng các mô hình khác trên địa bàn quận, huyện.

Đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm cho biết, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố đã đề xuất, kiến nghị về việc bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành cho Ban Quản lý an toàn thực phẩm; đề xuất Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các quy chế quản lý an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc thực phẩm; các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) quy định cụ thể các thông số, chỉ tiêu chất lượng nhằm kiểm soát đối với tổ chức và cá nhân trong việc tự công bố, đăng ký công bố sản phẩm, quy định về quản lý loại hình kinh doanh thực phẩm trên kênh thương mại điện tử.

Nguyễn Cảnh
.
.
.