Nguồn hàng Tết dồi dào, lo sức mua yếu

Thứ Sáu, 07/01/2022, 08:48

Vào khoảng thời điểm này của mọi năm, sức mua trên thị trường Tết khá sôi động, nhưng năm nay việc mua sắm có vẻ trầm lắng hơn.

Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Kanta Việt Nam, do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã có hơn 50% hộ gia đình đang gặp vấn đề về tài chính và cần cắt giảm chi tiêu. Xu hướng cắt giảm chi tiêu rất phổ biến ở nhóm thu nhập thấp và trung bình. Điều này có thể ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của thị trường trong thời gian tới…

Tình hình thị trường đã có phần khởi sắc trở lại kể từ sau tháng 10/2021 đến nay, nhưng một số doanh nghiệp (DN) vẫn thận trọng khi nói về kế hoạch sản xuất và sức mua mùa Tết Nguyên đán sắp tới. Ông Nguyễn Thanh Huy, Giám đốc một công ty chuyên sản xuất, kinh doanh các loại mứt sấy dẻo, hạt điều, có cơ sở tại quận Bình Tân cho rằng, sức mua Tết năm nay sẽ giảm nhiều. Nguyên nhân là khả năng chi tiêu của người tiêu dùng (NTD) bị ảnh hưởng, DN cũng sẽ tiết kiệm hơn khi mua giỏ quà Tết tặng nhân viên. Hơn nữa, do không dự đoán được tình hình diễn biến dịch bệnh thời gian tới thế nào, nên DN ông Huy cũng chỉ tái khởi động 70% năng lực sản xuất và chỉ tập trung sản xuất các mặt hàng thật sự cần thiết không dám phát triển nhiều sản phẩm mới như mọi năm.

7.jpg -0
Mặc dù vào mùa mua sắm Tết nhưng sức mua trên thị trường chưa cao.

"Mặc dù nguyên liệu đầu vào tăng 20 -35%, nhưng việc tăng giá bán hàng hóa phải được xem xét thận trọng, bởi nhu cầu thị trường quyết định giá bán. Năm nay, nếu giá hàng hóa tăng thì sẽ rất khó bán hàng, rủi ro cao, nên chúng tôi quyết định không tăng giá trong dịp Tết này để giữ chân khách hàng", ông Huy chia sẻ.

Tại chợ đầu mối Bình Điền, sau thời gian tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19, đầu tháng 12/2021, chợ chính thức hoạt động trở lại. Tuy nhiên, đến nay số thương nhân vào chợ kinh doanh chỉ đạt khoảng 70%. Sản lượng hàng hóa trong tháng 12/2021 đạt bình quân 1.200 tấn/ngày (giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020) và hiện đang tăng dần ở mức 1.400 tấn/ngày. Dự báo hoạt động kinh doanh của chợ trong trong tuần cận Tết có thể tăng 20-35% so với ngày thường.

Mặc dù sức mua chậm, NTD sẽ cân nhắc, hạn chế trong chi tiêu, nhưng với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như: thịt, trứng, thực phẩm chế biến,… thì không thể thiếu trong mỗi gia đình khi Tết đến, Xuân về. Chính vì vậy, các DN sản xuất những mặt hàng này cũng đã chuẩn bị đủ sản lượng hàng hóa để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường. Công ty Vissan dự kiến lượng hàng cung ứng cho thị trường Tết năm nay tăng 6 - 8% so với cùng kỳ năm ngoái, với 2.860 tấn thực phẩm tươi sống và 4.225 tấn chế biến; Công ty Sài Gòn Food dự kiến tăng khoảng 10% so cùng kỳ, trong đó tập trung các loại thực phẩm chế biến dùng nhanh, biếu tặng, như: lẩu các loại, bò viên, nước sốt gia vị…

Đặc biệt, các hệ thống phân phối hiện đại cũng đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào đủ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Nguyên đán. Bà Phạm Thi Vân, Trưởng ban Quản lý hệ thống bán lẻ Satra cho biết, dự kiến tổng lượng hàng hóa dự trữ 2 tháng trước và sau Tết 2022 của hệ thống ước hơn 500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với Tết 2021. Các nhà cung cấp của Satra ký cam kết không tăng giá, đảm bảo nguồn hàng chất lượng, ổn định trước trong và sau Tết; SaigonCo.op đã dự trữ nguồn hàng với tổng giá trị gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với Tết năm trước. Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết…

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành Công thương thành phố đã có 9 tháng chuẩn bị hàng hóa thông qua việc liên kết với các tỉnh, thành để tạo ra một mạng lưới cung cầu, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân. Theo dự báo   của các tổ chức, cũng như theo đo lường của Sở Công Thương thì sức mua năm nay sẽ không bằng những năm trước. Tuy nhiên, khả năng người dân, đặc biệt là công  nhân, sẽ ở lại thành phố đón Tết nhiều hơn các năm trước. Việc không đi du lịch cũng là một lý do tạo sự gia tăng tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh. Đó là những cơ sở để kỳ vọng sức mua thị trường sẽ tốt dần lên trong những ngày cuối năm.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc phát triển kinh doanh cao cấp Công ty Nghiên cứu thị trường Kanta Việt Nam, NTD hiện cũng đang chú ý nhiều hơn đến giá cả sản phẩm và các chương trình khuyến mãi. Trong đó, thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh là những ngành hàng ít bị ảnh hưởng bởi xu hướng chi tiêu thận trọng hơn của NTD. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 cũng đã thúc đẩy NTD quan tâm về sức khỏe nhiều hơn.

Qua khảo sát, 80%  NTD thích mua đồ uống ít đường hoặc không đường, 78% NTD sẵn sàng trả giá cao hơn cho các loại thực phẩm lành mạnh, 70% thường xuyên kiểm tra xuất xứ sản phẩm, 68% thích sản phẩm có thêm thành phần "hoạt tính" vitamin, nhân sâm, can xi... và họ ưu tiên mua sắm sản phẩm tốt cho sức khỏe. Vì vậy, các DN cần chú ý xu hướng mua sắm của NTD để có hướng điều chỉnh phù hợp.

Thúy Hà
.
.
.