Nguồn cung hàng hóa các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo

Thứ Năm, 03/02/2022, 14:07

Ngày mùng 3 Tết ( tức ngày 3/2), thị trường hàng hóa đã sôi động hơn ngày mùng 2 Tết, tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn chưa cao dù nguồn cung hàng hóa các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo.

Tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, giá các mặt hàng nhìn chung ổn định so với thời điểm trước Tết. Tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh, một số tiểu thương bắt đầu bán hàng trở lại, các mặt hàng được bán chủ yếu là thực phẩm tươi sống (thịt bò, thịt lợn, thủy hải sản,...), rau củ quả, giá bán tương đối ổn định so với thời điểm sát Tết. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc đi lễ đền, chùa đầu năm theo phong tục truyền thống của người dân cũng bị hạn chế do tâm lý lo ngại sợ lây lan dịch bệnh.

Theo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thị trường hàng hóa ngày Mùng 3 Tết tương đối ổn định, sức mua của người dân trong ngày này vẫn chưa cao do kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán dài ngày, thời tiết trở lạnh rét đậm, rét hại kèm theo mưa tại miền Bắc và tâm lý lo ngại sợ lây lan dịch bệnh COVID-19 của người dân.

Nguồn cung hàng hóa các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo -0
Các hệ thống siêu thị đã dự trữ đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sau Tết.

Để bảo đảm nguồn cung, ngay trong dịp Tết, các hệ thống siêu thị đã dự trữ đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sau Tết. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) cho biết, sức mua của người dân trong những ngày đầu năm mới không nhiều.

Theo đại diện các trung tâm thương mại, siêu thị, các đơn vị này bảo đảm thực hiện tốt quy định về an toàn phòng, chống dịch, thường xuyên phát loa nhắc nhở khách hàng thực hiện đúng quy định về giữ khoảng cách an toàn; yêu cầu đeo khẩu trang; bố trí nước xịt tay sát khuẩn, thực hiện đo nhiệt độ… tạo điều kiện để khách hàng yên tâm mua sắm.

Giá một số hàng hoá thiết yếu trong ngày mùng 3 Tết, cụ thể như sau:

Mặt hàng lương thực giá ổn định: Giá các loại gạo tẻ thường từ 11.000-14.000 đ/kg; gạo tẻ chất lượng cao (ST 24, ST 25, tám Điện Biên, Séng Cù) từ 18.000-42.000 đ/kg, gạo nếp 25.000-33.000 đ/kg.

Mặt hàng thực phẩm: Tại các siêu thị, giá thực phẩm ổn định. Tại một số chợ lẻ, giá bán phổ biến ở mức: Giá thịt lợn mông sấn từ 100.000-130.000 đ/kg, giá thịt lợn thăn từ 120.000-150.000 đ/kg; giá thịt bò thăn loại I từ 290.000-330.000 đ/kg; giá gà ta lông từ 130.000-150.000 đ/kg; giá tôm sú (loại 26-30 con/kg) từ 420.000-500.000 đ/kg; cá trắm giá từ 80.000-100.000 đ/kg.

Các loại rau, củ, quả: Mức giá phổ biến (tùy địa phương) ở mức: Bắp cải từ 8.000-15.000 đ/kg, su hào từ 3.000-6.000 đ/củ, xà lách từ 15.000-20.000 đ/kg, cà chua từ 12.000-20.000 đ/kg, khoai tây từ 10.000-18.000 đ/kg, súp lơ từ 10.000-20.000 đ/cây...

Thực phẩm chế biến: Giá giò lụa từ 130.000-150.000 đ/kg, giá giò bò từ 280.000-320.000 đ/kg, giá lạp xưởng Vissan từ 180.000-220.000 đ/kg tùy loại.

Mặt hàng công nghệ thực phẩm: Giá đường bán lẻ ở mức 22.000-24.000 đ/kg, giá dầu ăn từ 45.000-55.000 đ/lít (tùy loại), giá bia lon Hà Nội từ 240.000-250.000 đ/thùng, giá bia lon Saigon từ 240.000-250.000 đ/thùng, giá bia lon Heniken từ 400.000-430.000 đ/thùng, giá Cocacola từ 180.000-190.000 đ/thùng.

Hoa, quả các loại: Cam sành loại 1 30.000-40.000 đ/kg, cam canh loại 1 từ 60.000-70.000 đ/kg, xoài cát chu từ 50.000-65.000 đ/kg, bưởi da xanh từ 50.000-60.000 đ/kg, dưa hấu 20.000-25.000 đ/kg,… Hoa cúc 60.000-80.000 đ/chục, hoa hồng 50.000-80.000 đ/chục, hoa hồng loại có cành lộc 80.000-120.000 đ/chục…

Theo Bộ Công Thương, trong ngày mùng 4 Tết hoạt động mua bán hàng hóa sẽ sôi động hơn, các chợ dân sinh đã bắt đầu bán hàng trở lại phục vụ người dân, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, thịt, cá, giá bán tương đương với thời điểm sát Tết.

Lưu Hiệp
.
.
.