Mua trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro

Thứ Tư, 17/11/2021, 08:20

Trong bối cảnh lãi suất huy động xuống thấp, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, bất chấp các cảnh báo rủi ro của cơ quan quản lý cũng như các chuyên gia, thậm chí kể cả bài học vỡ nợ nhãn tiền của công ty bất động sản (BĐS) Evergrande của Trung Quốc.

Thận trọng với trái phiếu bất động sản chưa niêm yết

Theo số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, lượng phát hành TPDN giảm nhiệt trong quý III/2021, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với trung bình các năm trước. Cụ thể, trong quý III/2021, các DN phát hành 188 nghìn tỷ đồng trái phiếu, giảm 4,1% so với quý trước và giảm 17% so với cùng kỳ giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ và giãn cách xã hội tác động đến kế hoạch phát hành.

BĐS và ngân hàng tiếp tục duy trì là 2 tổ chức phát hành chiếm tỷ trọng nhiều nhất, lên tới 80% tổng lượng phát hành. 9 tháng năm 2021, tổng lượng TPDN phát hành là 443,1 nghìn tỷ đồng, BĐS quán quân với 201,9 nghìn tỷ đồng – chiếm 45,5%; sau đó đến các ngân hàng (136,4 nghìn tỷ đồng – chiếm 30,8%).

Lý giải về sức nóng của TPDN, SSI cho rằng mặt bằng lãi suất ở mức thấp là động lực chính khiến các DN tích cực đẩy mạnh phát hành TPDN để có thể huy động vốn được nhanh chóng và giảm áp lực lên chi phí tài chính, khi mặt bằng lãi suất cho vay từ ngân hàng không có mức giảm tương ứng. Chưa kể, phát hành TPDN lại dễ hơn rất nhiều so với vay ngân hàng khó khăn về thủ tục, điều kiện và cả quá trình quản lý dòng tiền.

Mua trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro -0
Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết có độ rủi ro cao. Ảnh minh họa

Trong khi đó, nhìn từ phía cầu, nhu cầu đầu tư TPDN từ các nhà đầu tư cá nhân vẫn duy trì tích cực khi chênh lệch giữa lãi suất phát hành TPDN và lãi suất tiền gửi giữ ở mức cao. Chênh lệch giữa lãi suất TPDN (loại trừ ngân hàng) với lãi suất tiền gửi bình quân lên tới 4%/năm, cho thấy dư địa dòng tiền cá nhân tìm đến những tài sản đầu tư tài chính như TPDN vẫn còn rất lớn.

Song, điều đang lưu ý là bên cạnh TPDN không có tài sản đảm bảo, hoặc tài sản đảm bảo bằng chính TPDN, thì ngay cả với những TPDN có tải sản đảm bảo cũng cho thấy chất lượng tài còn nhiều hạn chế. Câu chuyện về “bom nợ Evergrande” đã khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu để ý hơn tới tài sản đảm bảo cho TPDN. Loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác khi hầu hết phát hành đều không có tài sản đảm bảo, các TPDN còn lại được phát hành trong 9 tháng đầu năm 2021 có 36,2% được đảm bảo bằng một phần tài sản/BĐS và một phần là cổ phiếu/cổ phần, 20,4% được bảo đảm bằng BĐS; 9,5% được đảm bảo bằng tài sản; 6,7% được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu và 17,1% là không có tài sản đảm bảo.

Riêng nhóm trái phiếu BĐS, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu/cổ phần của chính DN phát hành. Cụ thể, nếu tính các trái phiếu BĐS được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là hơn 140 nghìn tỷ đồng – chiếm 67% tổng lượng trái phiếu BĐS phát hành 9 tháng năm 2021. Tỷ trọng các DN phát hành không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8% tổng lượng phát hành, trong đó có một số lớn DN không niêm yết nên khả năng tiếp cận các thông tin tài chính của các DN này bị hạn chế. Đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các DN BĐS không được đảm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Đẩy mạnh tuyên truyền và cảnh báo

Cùng chung quan điểm, Khối Dịch vụ Xếp hạng Tín nhiệm (FiinRatings), FiinGroup cho biết trong 5 năm qua, trái phiếu đã trở thành kênh huy động quan trọng của các DN BĐS, với giá trị phát hành trung bình xấp xỉ 100.000 tỷ VND/năm, đóng góp tỷ trọng 30-40% trong tổng giá trị TPDN phát hành. “Chúng tôi cho rằng trong bối cảnh nhu cầu vốn dài hạn rất lớn, và kênh tín dụng truyền thống bị siết chặt, kênh trái phiếu sẽ tiếp tục đóng vai trò là nguồn vốn trung dài hạn cho các DN BĐS trong thời gian tới.

Đáng chú ý, do phần lớn TPDN BĐS được phát hành bởi các DN chưa niêm yết- chiếm hơn 80% giá trị, chúng tôi cho rằng tỷ trọng của TPDN ngành BĐS trong toàn hệ thống trên thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Thế nhưng năng lực trả nợ vay của các đơn vị phát hành BĐS chưa niêm yết hiện đang rất yếu. Các chỉ số đánh giá năng lực trả nợ vay và đòn bẩy đều đang ở mức đáng báo động. Điều này thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính (Nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu) hiện ở mức lên tới 8,1x trong khi các DN niêm yết chỉ ở mức 2,5x”, các chuyên gia của Finn phân tích.

Cũng theo ngóm chuyên gia này, trên thực tế, tài sản thế chấp hay tài sản đảm bảo chỉ có tác dụng tạo áp lực cho DN trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ, trong khi giá trị thu hồi rất thấp do tính phức tạp của các thủ tục xử lý tài sản thế chấp và thời gian kéo dài.

Với những phân tích trên Fiin khuyến nghị đối với nhà đầu tư cá nhân, hiện có hàng trăm sản phẩm trái phiếu được chào bán trên thị trường, tuy nhiên thông tin về chất lượng trái phiếu còn chưa đầy đủ. Đầu tư trái phiếu thường có kỳ hạn dài hạn từ 3 đến 5 năm và do đó không chỉ lựa chọn trái phiếu có mức lãi suất cao mà các yếu tố về chất lượng nhà phát hành và các điều khoản để đảm bảo quyền lợi cũng như giảm thiểu rủi ro thu hồi lãi và gốc là yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần lưu ý.

“Nhà đầu tư nên cân bằng lợi ích và rủi ro: Lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao và thời gian qua đã có một số DN BĐS có năng lực tín dụng thấp đã nâng lãi suất phát hành nhằm thu hút nhà đầu tư cá nhân. TPDN là một kênh đầu tư khá hấp dẫn với mức lãi suất bình quân 10,2% so với mức lãi suất tiền gửi chỉ khoảng 4%.

Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, chất lượng tín dụng một số nhà phát hành, đặc biệt là nhà phát hành chưa niêm yết là rất yếu. Đầu tư trái phiếu thường có kỳ hạn dài từ 3 đến 5 năm và do đó, không chỉ lựa chọn trái phiếu có mức lãi suất cao, mà các yếu tố về chất lượng nhà phát hành và các điều khoản để đảm bảo quyền lợi là yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần lưu ý”, Fiin phân tích và khuyến cáo dưới tư cách nhà đầu tư thứ cấp, dù được định nghĩa là chuyên nghiệp hay cá nhân nhỏ lẻ, rủi ro về cơ bản là do người nắm giữ trái phiếu chịu trách nhiệm chứ không phải là các đơn vị tư vấn hoặc phân phối vì hầu như không có điều khoản bắt buộc đơn vị phân phối cam kết lãi và gốc sẽ được trả đầy đủ.

Với cơ quan quản lý, Fiin đề xuất bên cạnh các biện pháp hành chính, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông chính sách và cảnh báo nhà đầu tư cá nhân nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ- vấn đề trên càng trở nên quan trọng khi “tính đại chúng” của thị trường TPDN đã lớn.

Hà An
.
.
.