“Nắn” thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi đúng hướng

Thứ Bảy, 25/09/2021, 08:48

Liên tục tăng trưởng, bất chấp mọi lời cảnh báo, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được xem là quả “bom nổ chậm” trên thị trường tài chính. Vậy làm thế nào để “gỡ ngòi nổ” cho quả bom này?

Những “quả bom” chực chờ phát nổ

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu CII, sàn HOSE) đang có kế hoạch phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản. Mục đích phát hành là nhằm tăng cường năng lực tài chính cho doanh nghiệp, cũng như để huy động nguồn vốn với chi phí hợp lý. Doanh nghiệp sẽ dùng 265 tỷ đồng huy động được từ đợt phát hành để cơ cấu các khoản nợ của tổ chức phát hành, còn 235 tỷ đồng được công ty dự định đầu tư cho các công trình, dự án của doanh nghiệp. Được biết, theo báo cáo tài chính công ty mẹ CII 6 tháng đầu năm 2021, công ty có nợ phải trả 12.894 tỷ đồng, gấp gần 4,5 lần so với vốn chủ sở hữu 2.882 tỷ đồng.

Cll không phải là hiện tượng hiếm trên thị trường nợ đầm đìa vẫn phát hành trái phiếu. Trước đó, nhiều doanh nghiệp cũng bị điểm danh như Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, mã BCM, sàn HOSE) lên kế hoạch phát hành thêm 2.500 tỷ đồng trái phiếu dù nợ gấp đôi vốn và dòng tiền âm.

Theo đó, kế hoạch phát hành trái phiếu của Becamex IDC được thực hiện sau khi công ty này kết thúc nửa đầu năm tài chính 2021 với quy mô nợ phải trả ghi nhận ở mức 31.948 tỷ đồng. Giá trị nợ phải trả theo đó lớn gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2021, Becamex IDC ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 573 tỷ đồng, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương 24 tỷ đồng. Hay một doanh nghiệp khác, nợ đã cao gấp 2,3 lần vốn vẫn phát hành thêm trái phiếu như Công ty cổ phần Thuận Đức (mã TDP, sàn HOSE).

“Nắn” thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi đúng hướng -0
Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản bị đánh giá rủi ro cao.

Trái phiếu của TDP phát hành cũng là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, về tình hình tài chính của Công ty Thuận Đức, nợ phải trả của công ty tại ngày 30/6/2021 là 1.603 tỷ đồng, lớn gấp hơn 2,3 lần so với vốn chủ sở hữu 689 tỷ đồng cùng thời điểm. Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) cũng thông qua việc phát hành TPDN lần 4 năm 2021 với tổng giá trị 230 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản, không phải là nợ thứ cấp của công ty và được tự do chuyển nhượng.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Công ty Phát Đạt liên tục gọi vốn từ kênh trái phiếu với lãi suất cao để có vốn triển khai các dự án bất động sản (BĐS). Trước đó, năm 2020, Công ty Phát Đạt đã phát hành trái phiếu nhiều lần, tổng cộng trị giá hơn 500 tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất tại thời điểm ngày 31/12/2020, công ty này ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới 10.423 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của công ty ở mức 5.194 tỷ đồng…

Nhìn bức tranh TPDN được kể trên, có thể thấy việc ví như quả bom nổ chậm không hề sai. Điều này đặc biệt đúng với TPDN BĐS. Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong tháng 8/2021, đã có tổng cộng 52 đợt phát hành TPDN trong nước, với tổng giá trị đạt 26.077 tỷ đồng. Trong đó, nhóm BĐS giữ vị trí thứ hai với tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 8.950 tỷ đồng, khoảng 15% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm. Một số liệu do FiinRatings thống kê dựa trên báo cáo tài chính của 17 doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS nhà ở có hoạt động phát hành trái phiếu trong năm 2020 cho biết, hệ số chi trả lãi vay giảm mạnh về mức 0,7 lần, tức lợi nhuận tạo ra không đủ chi trả lãi vay. Hệ số nợ vay ròng/EBITDA năm 2020 tăng lên tới 17,3 lần. Đây là mức rất cao nếu so với kỳ hạn bình quân 3,8 năm của các trái phiếu BĐS. Do đó, khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của nhóm doanh nghiệp này sẽ phụ thuộc lớn vào sự hồi phục của ngành BĐS nhà ở. Tương tự, số liệu từ Bộ Tài chính cũng cho thấy thời gian qua, khối lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 51% tổng khối lượng phát hành, trong đó, đến 90% trái phiếu không có tài sản bảo đảm là trái phiếu do tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành…

Gỡ bằng cách nào?

Nhiều lần, cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia tài chính đều khuyến cáo về những rủi ro trên thị trường TPDN, yêu cầu nhà đầu tư cần gia tăng thẩm định rủi ro để tránh “tiền mất, tật mang”. Bộ Tài chính khuyến cáo lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó nhà đầu tư phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu…

Thực tế, TPDN được nhận định là kênh hút vốn quan trọng, góp phần “gánh” bớt cho những kênh huy động vốn khác như ngân hàng, chứng khoán. Tuy nhiên để kênh gọi vốn này hiệu quả, không gây nên những hệ lụy đáng tiếc, cần phải “nắn” thị trường đi đúng quỹ đạo, không thể chỉ vài khuyến cáo chung chung. Ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Thế giới  khuyến nghị một số lĩnh vực cần cải thiện để có thể giúp phát triển hơn nữa thị trường TPDN. Thứ nhất, phải nhất quán quy trình phát hành trên thị trường đại chúng.

Hiện nay, quy trình phê duyệt của cơ quan quản lý thường kéo dài từ 3-6 tháng, và điều này có thể làm giảm tính hấp dẫn của trái phiếu như một lựa chọn huy động vốn cho các doanh nghiệp. Đây là lý do chính khiến cho trước đây hầu hết các trái phiếu đều được phát hành riêng lẻ, khi đó không cần có sự phê duyệt của cơ quan quản lý.

Để tăng tính hấp dẫn của thị trường trái phiếu, thời gian xử lý cần được giảm đi xuống mức tối thiểu. Quy trình phê duyệt phát hành trái phiếu cũng cần phải đồng bộ với quy trình phê duyệt niêm yết tại Sở GDCK, để trái phiếu có thể được giao dịch ngay sau khi phát hành. Thứ 2, nâng cao các tiêu chuẩn công bố thông tin. Thứ 3, sử dụng xếp hạng tín nhiệm để nâng cao tính minh bạch. Thứ 4, mở rộng cơ sở nhà đầu tư.  Một cơ sở nhà đầu tư đa dạng hơn, về cả số lượng và chủng loại, sẽ giúp tăng tính thanh khoản và sự hấp dẫn của thị trường trái phiếu. Thứ 5, nâng cao tổ chức và thanh khoản thị trường thứ cấp. Hiện tại, hầu hết các trái phiếu đều chưa niêm yết và thông tin giao dịch không đầy đủ. Gia tăng trên thị trường trái phiếu niêm yết sẽ giúp làm tăng thanh khoản một cách tự nhiên. Và thứ 6, khuyến khích phát triển sản phẩm mới. Khi thị trường phát triển, cần phải phát triển thêm các công cụ mới để thoả mãn những nhu cầu huy động vốn khác nhau…

Hà An
.
.
.