Lượng khách tăng vọt, du lịch có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ
Hoạt động trở lại sau một thời gian dài liêu xiêu vì đại dịch COVID-19, ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ. Trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, ngành du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22.000 tỷ đồng.
Tổng cục Du lịch cho biết, trong dịp lễ 30/4 và 1/5, một số tỉnh, thành phố là địa bàn du lịch trọng điểm đã vượt chỉ tiêu phục vụ khách du lịch so với cùng kỳ năm 2021. Nổi bật là TP Hồ Chí Minh với 620.000 lượt khách được phục vụ, công suất phòng đạt 65%-70%, tổng thu từ khách đạt 1.610 tỷ đồng.
Hà Nội phục vụ hơn 550.000 lượt khách, đặc biệt, lượng khách du lịch đến các khu, điểm tham quan du lịch trong 4 ngày lễ có sự tăng trưởng mạnh mẽ, ước đạt 250% so với cùng kỳ năm 2021. Thanh Hoá phục vụ 898.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt khoảng 577.400 lượt khách, tăng 85,6% so với năm 2021, tổng thu du lịch khoảng 1.960 tỷ đồng, tăng 123,2% so với năm 2021.
Khánh Hoà phục vụ 275.500 lượt khách, tăng 219% so với cùng kỳ, tổng thu từ khách du lịch đạt 529 tỷ đồng, tăng 217% so với cùng kỳ 2021. Quảng Ninh phục vụ 340.000 lượt khách, trong đó số lượt khách lưu trú đạt 102.000 lượt; công suất phòng trung bình với khối 3 sao là 65%, khối cao cấp (4-5 sao) đạt trên 90%.
Về hoạt động du lịch quốc tế, số lượng khách tới một số địa phương trọng điểm du lịch tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Đà Nẵng đã đón 18 chuyến bay quốc tế từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, tổng số khách quốc tế đạt khoảng 7.400 lượt khách, tăng gần 16 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Hải Phòng đã đón 4.500 lượt khách quốc tế, du khách tập trung tại hai khu du lịch Đồ Sơn và Cát Bà. Đây là tín hiệu tốt cho mùa du lịch inbound của Việt Nam năm nay (từ tháng 9 trở đi). Tour đưa khách ra nước ngoài (outbound) cũng đã bắt đầu được du khách lựa chọn. Thị trường được du khách ưa thích là Dubai, UAE (tháng 3/2022 đạt hơn 2.000 khách, tổng tháng 3-4/2022 khoảng 5.000 khách).
Kỳ nghỉ lễ năm nay dài tới 4 ngày, vào thời điểm đầu hè, đã tạo điều kiện thuận lợi để du lịch tái khởi động trở lại. Các địa phương trên cả nước đã tăng cường liên kết, xây dựng sản phẩm du lịch mới, chỉnh trang lại không gian tại các cơ sở lưu trú và khu điểm du lịch để thu hút du khách. Nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch đã đồng loạt tổ chức các lễ hội, sự kiện nghệ thuật, du lịch thu hút du khách.
Tại Hà Nội, hưởng ứng SEA Games 31 và Năm Du lịch quốc gia, chuỗi sự kiện văn hoá - nghệ thuật - du lịch đã được tổ chức như: “Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội” đã thu hút trên 65.000 lượt khách; tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” đón trung bình mỗi tối trên 150 khách/tour. Tại Sapa (Lào Cai), cuộc đua “Vó ngựa trên mây” lần thứ 4 và “Chợ tình Sapa” được tổ chức, thu hút gần 98.000 lượt khách tham quan…
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - ông Nguyễn Trùng Khánh, kết quả đạt được nói trên là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời đúng hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc đảm bảo an ninh an toàn các hoạt động du lịch trong dịp nghỉ lễ. Vì vậy, công tác phục vụ khách du lịch về cơ bản là tốt, không để xảy ra các sự cố đáng kể. Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng, du lịch Việt Nam vẫn đang có những tồn tại, hạn chế.
Chất lượng nhân lực ngành du lịch vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng. Do tuyển gấp và một phần lấy từ dân địa phương chưa qua đào tạo, chất lượng phục vụ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách. Vì vậy, qua mạng xã hội, truyền thông, vẫn có một số phản ánh của người dân, du khách về chất lượng dịch vụ phục vụ khách.