Lập sàn giao dịch lúa gạo để minh bạch kinh doanh
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ giữa tháng 2 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm. Điều đáng nói, có nhiều thông tin cho rằng, giá gạo giảm do các doanh nghiệp (DN) thu mua đã “chậm lại một nhịp”, chờ giá gạo xuống thấp mới thu mua. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các DN và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.
Thông tin mới nhất ngày 6/3, trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục quay đầu giảm mạnh từ 16 - 20 USD/tấn. Cụ thể, ở phân khúc gạo tiêu chuẩn 5% tấm, gạo Việt giảm 16 USD, xuống còn 578 USD/tấn; gạo 25% tấm, giá gạo Việt cũng giảm 15 USD, xuống 555 USD/tấn; gạo 100% tấm giảm mạnh tới 20 USD/tấn. Giá sau điều chỉnh hiện gạo Việt còn 478 USD/tấn.
Về thị trường xuất khẩu, năm 2024, Indonesia, Philippines vẫn là thị trường chính và có tiềm năng tăng cao, thị trường châu Phi tương đối ổn định. Ngoài ra, các thị trường như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới ở các nước khu vực Trung Đông cũng đang có xu hướng tăng trưởng tốt nhờ tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia; đồng thời cũng nhờ chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của từng quốc gia, khu vực. Biến động của thị trường lúa gạo trong nước và thế giới đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp phải linh hoạt trong triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất, thu mua, xuất khẩu gạo thời gian tới. Điều đáng nói, có nhiều thông tin cho rằng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm là do có hiện tượng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lúa gạo chậm mua của nông dân để chờ giá xuống thấp.
Liên quan đến tình trạng này, ngày 2/3, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị nêu rõ: Hiện nay, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa vụ đông xuân nhưng có hiện tượng DN chờ đợi giá lúa xuống thấp, còn người dân mong muốn bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các DN và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.
Từ đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VINAFOOD I), Tổng công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD II) phải đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh, minh bạch, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường. Chỉ thị cũng yêu cầu nghiên cứu thúc đẩy việc triển khai sàn giao dịch hàng hóa nông sản, trong đó có sàn giao dịch lúa gạo để đảm bảo công khai, minh bạch trong kinh doanh.
Về vấn đề này, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) chia sẻ, giá lúa gạo trong thời gian tăng cao liên lục trong quý III, IV/2023 sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm từ giữa tháng 1/2024, mức giảm là từ trên 9.000 đồng/kg xuống 7.300 đến 7.800/kg. “Tuy giá giảm nhưng vẫn cao hơn của vụ đông xuân năm 2023 và đặc biệt là vẫn cao hơn giá của các vụ trước. Với giá lúa hiện nay người dân vẫn có lãi khoảng 60% theo giá thành sản xuất mà Hiệp hội tài chính đã công bố là khoảng 4.000 đồng/kg và giảm trên nền giá cao đột biến. Năm 2023 giá tăng đột biến và hiện nay giảm nhưng giảm trên nền giá cao trước đó”, bà Tâm khẳng định.
Bà Tâm cho rằng nguyên nhân dẫn đến giá gạo giảm như vừa qua là do hiện nay thu hoạch chính vụ, tất cả các cánh đồng đều thu hoạch và các tỉnh đều thu hoạch cùng thời điểm dẫn đến sự ùn ứ từ ruộng, từ nhà máy, thậm chí từ các cảng nội địa. Hơn nữa để thu mua được 6 triệu tấn gạo, phải chuẩn bị về tín dụng ngân hàng, chuẩn bị logistics nên sẽ chậm hơn. Bên cạnh đó, hiện nay Thái Lan, Philippines, Indonesia cũng cũng thu hoạch vào đúng tháng 3-5. Ngoài ra, một số nước châu Phi hiện nay đang tồn nhiều gạo. Philippines hiện cũng tồn gạo với giá cao nên họ phải tiêu thụ ở trong nước trước, sau đó mới tiếp tục nhập khẩu.
Bà Tâm đề nghị Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính cho tiến hành sớm chương trình thu mua dự trữ. Thông thường hàng năm, cứ vào tháng 3 thì Tổng cục sẽ tổ chức mở thầu với số lượng khoảng 200-250 nghìn tấn gạo. Số lượng này cũng đủ để đóng góp vào việc kích cầu.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, đến nay cả nước đã thu hoạch khoảng 3,2 triệu tấn lúa. Cả năm 2024, theo kế hoạch Việt Nam sẽ gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, dự tính sản lượng vẫn trên 43 triệu tấn lúa. Căn cứ theo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu năm nay, nếu nhu cầu tăng cao, Bộ NN&PTNT sẽ điều chỉnh theo hướng tăng diện tích vụ Thu Đông lên khoảng 700.000 ha như năm 2023, còn vụ Đông Xuân và Hè Thu nếu tăng cũng không đáng kể. Theo ông Cường, thị trường lúa gạo có biên độ hẹp và biến động rất nhanh, do đó doanh nghiệp cần chủ động nắm thông tin, dự báo thị trường để chốt giá, chốt hợp đồng xuất khẩu với giá tốt nhất và mang lại lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp, cho nông dân sản xuất lúa.
Ông Cường cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT để theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo khi các nước có nhu cầu". Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu hai bộ là Bộ Công thương và Bộ NN& PTNT cùng phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng gạo gắn với dịch vụ logistics để đưa sản phẩm đến với các thị trường. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT hướng dẫn cho các địa phương vùng ĐBSCL thu hoạch lúa theo đúng thời vụ.
Bộ cũng phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng để cung cấp thông tin về diễn biến thị trường lúa, gạo để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp; phối hợp với Liên minh hợp tác xã Việt Nam thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho các hợp tác xã nông nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, cung ứng các dịch vụ đầu vào, tiêu thụ lúa, gạo. Bộ Công thương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường gạo trong và ngoài nước; tìm cơ hội đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.