Lúa gạo vùng châu thổ Cửu Long hướng đến tăng trưởng xanh

Thứ Sáu, 03/03/2023, 05:50

Chiếm 60% sản lượng lúa của cả nước; hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu; tạo việc làm, thu nhập cho trên 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp... châu thổ Cửu Long khẳng định vai trò số 1 trong sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, trong tương lai, việc sản xuất lúa gạo của vùng châu thổ này được khuyến cáo cần thay đổi theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững…

Đề án sản xuất bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức triển khai.

lugao 2.jpg -0
Thu hoạch lúa tại vùng châu thổ Cửu Long.

Theo đó, quy chuẩn cho sản xuất lúa gạo chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh hướng vào các yếu tố: Sử dụng giống lúa xác nhận cho chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới; áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính… Với hệ thống canh tác này, sản xuất lúa sẽ tiết kiệm tài nguyên, ít gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải.

Ngoài ra, vùng lúa chất lượng cao sẽ được tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác, cơ giới hóa, liên kết để giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị từ các khâu liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ở những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao sẽ tạo ra những giá trị tăng thêm do góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nguồn tài nguyên, tái sử dụng phụ phẩm từ trồng lúa theo mô hình kinh tế tuần hoàn, xây dựng thương hiệu gạo.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, nông nghiệp xanh, giảm phát thải tại châu thổ Cửu Long được xem là định hướng quan trọng, hướng đến bền vững, trong đó tuần hoàn nông nghiệp cần được ưu tiên. Theo ông Nam, nếu xử lý tốt các phụ phẩm từ lúa gạo, thủy hải sản, trái cây tại ĐBSCL thì đó sẽ là tài nguyên khổng lồ.

Trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Startup lần thứ 1 tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp vừa qua, đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT và lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký cam kết giảm phát thải trong nông nghiệp, từ năm 2023 sẽ chuyển dịch mạnh mẽ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi tại khu vực theo hướng khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thu giữ, sử dụng khí methane; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức trong và ngoài nước tham gia giảm phát thải khí methane.

Trong báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố, các chuyên gia khẳng định, sản xuất lúa gạo được xem là 1 trong 5 nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị cho việc nghiên cứu chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam thông qua hướng tới sản xuất lúa gạo carbon thấp và truyền tải thông điệp hướng tới sản xuất lúa gạo xanh. Bài học từ dự án VnSAT cho thấy, việc áp dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm” trong canh tác lúa có thể giảm phát thải khí nhà kính ở mức khoảng 8 tấn CO2e/ha/năm. Tại Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) đầu tư tại tỉnh rất hiệu quả và sắp kết thúc. Thách thức hiện nay của địa phương là diện tích nông nghiệp bị thu hẹp, nhất là thiếu lực lượng lao động trong lĩnh vực này.

Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho hay, năm 2022 sản lượng lúa của tỉnh đạt 4,4 triệu tấn, trong đó có 97,32% là lúa chất lượng cao, lúa chuyên canh. Bên cạnh đó, có 109.000 ha liên kết tiêu thụ, tất cả đạt tiêu chuẩn Global gap và lúa hữu cơ. Tỉnh mạnh dạn đăng ký sản xuất 200.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, lâu nay người nông dân trồng lúa cố gắng nâng cao thu nhập bằng việc tăng sản lượng, nhưng khi đẩy sản lượng lên sẽ tạo ra nhiều hệ lụy. Những chi phí hữu hình, vật tư đầu vào đang ngày càng tăng, nông dân hiện chỉ tiếp cận đầu ra mà chưa quan tâm đến đầu vào. Bên cạnh đó còn tồn tại những chi phí vô hình như suy thoái nguồn dinh dưỡng đất, môi trường, sức khỏe của người tiêu dùng và nông dân. “Tiêu dùng xanh hiện nay là một xu thế, sản phẩm ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn phải chứng minh phát triển bền vững, đảm bảo môi trường. Vì thế, người nông dân và ngành nông nghiệp các địa phương phải thay đổi cách tiếp cận hướng tới nền nông nghiệp xanh, sản xuất gạo giảm phát thải khí nhà kính”, ông Lê Minh Hoan cho biết.

Đức Văn
.
.
.