Kiểm soát ùn tắc, đảm bảo thông quan hàng hóa

Thứ Tư, 19/01/2022, 06:45

Để đốc thúc việc thông quan hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, ngày 17/1, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức sáng 18/1, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, tỉnh Quảng Tây đã tiến hành đánh giá tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch tại từng cửa khẩu để khôi phục dần hoạt động thông quan tại một số cửa khẩu, trong đó có cụm cửa khẩu quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam tại TP Móng Cái. Tỉnh Vân Nam cũng chính thức cho phép nhập khẩu trở lại trái cây tươi từ Việt Nam qua cửa khẩu Kim Thành, trong đó có quả thanh long.

Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, đến 8 giờ sáng ngày 17/01/2022, toàn tuyến biên giới phía Bắc đã có 12 cửa khẩu, lối mở hoạt động. Tổng lượng xe còn tồn tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh là 2.643 xe, giảm hơn 3.000 xe so với thời điểm cuối tháng 12/2021. Hàng hóa nhập khẩu cũng được giải tỏa đáng kể, đáp ứng nhu cầu vật tư, nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tính đến 20h ngày 17/1, tổng xe nông sản tồn tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn gồm: cửa khẩu Hữu Nghị 673 xe, cửa khẩu Tân Thanh 373 xe, cửa khẩu Chi Ma 77 xe. Hiện cửa khẩu Hữu Nghị vẫn đang thông quan; Cửa khẩu Tân Thanh đã dừng thông quan; Cửa khẩu Chi Ma cũng mới dừng thông quan cách đây 3 ngày khi phía Trung Quốc phát hiện một F0 làm công việc bốc xếp.

Trước đó vài ngày, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản đề nghị các địa phương vùng nông sản không đưa hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu nữa để đảm bảo thông quan hết chỗ hàng hóa cũ. Tuy nhiên, hàng nông sản vẫn được đưa lên khu vực cửa khẩu, ngày 17/1 vẫn có hơn 50 xe hoa quả, nông sản được đưa lên Lạng Sơn.

un tac.jpg -0
Thành lập các vùng xanh an toàn để tập kết hàng hóa, xử lý kỹ thuật đảm bảo hàng hóa đưa sang phía bạn không có vết tích của COVID-19.

Theo ông Hồ Tiến Thiệu, số hàng đưa lên và quay đầu về nội địa là tương đương nhau. Nếu mỗi ngày xuất khẩu được 100 xe và một số ngày tới cửa khẩu Tân Thanh và Chi Ma mở cửa trở lại thì sẽ giải quyết được lượng hàng tồn. Phía Trung Quốc đã thông báo 29 Tết sẽ nghỉ Tết Nguyên đán. Do đó, Lạng Sơn thường xuyên đàm phán với phía bạn để giải quyết việc thông quan.

Tại tỉnh Quảng Ninh, thời điểm hiện tại còn 1.367 xe hàng chờ thông quan. Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, phía Trung Quốc đã có thông báo sẽ làm xuyên Tết để thông quan hàng hoá nhưng cán bộ tại cửa khẩu khi quay về quê sẽ bị cách ly từ 7-28 ngày nên tốc độ thông quan hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng người làm ở cửa khẩu. Hiện Quảng Ninh đã thông báo tạm dừng tiếp nhận hoa quả, hàng đông lạnh của các địa phương và triển khai các giải pháp chống dịch nhằm tránh trường hợp hàng hóa bị bạn trả về.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn tồn hàng trăm xe hàng chưa thông quan được, chủ yếu là gỗ ván, tiêu, điều, không có hoa quả; 260 xe nhập khẩu, hàng hóa chủ yếu là than cốc, máy móc thiết bị. Hiện Trung Quốc đang khống chế chỉ cho xuất khẩu 20 xe và nhập khẩu 20 xe/ngày. Hiện nay, Cao Bằng đã chuẩn bị lực lượng chức năng làm việc 24/24h, đồng thời liên tục trao đổi với phía Trung Quốc ở nhiều cấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã gửi thư cho Chủ tịch tỉnh Quảng Tây về vấn đề tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa. Cùng với đó, công tác phòng chống dịch ở khu vực cửa khẩu Cao Bằng được triển khai tương đối tốt. “Với tình hình như vậy, từ nay đến Tết Nguyên đán có thể giải quyết tốt tình hình xuất nhập khẩu, lượng tồn không còn nhiều và hàng hóa có thể xuất khẩu tốt sau Tết", ông Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay: “Dù các khuyến cáo với các địa phương vùng trồng nông sản tạm dừng đưa hàng lên cửa khẩu liên tục được đưa ra, nhưng thực tế các địa phương cũng không thể nắm được mỗi ngày từ địa phương mình có bao nhiêu chuyến xe, mặt hàng để khuyến cáo. Bởi đây là hợp đồng của các doanh nghiệp, người dân, nhà vườn với nhau". Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phải ngồi lại với nhau nắm tình hình các địa phương để có con số rõ ràng nhằm điều hành dễ hơn.

Để đốc thúc việc thông quan hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, ngày 17/1, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng Ban chỉ đạo. Bộ Công Thương cũng đã thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. 

Phát biểu tại cuộc họp ngày 18/1, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, hiện nay có 2 nhiệm vụ cần phải giải quyết. Đó là thành lập các vùng xanh an toàn để tập kết hàng hóa, xử lý kỹ thuật để đảm bảo hàng hóa đưa sang phía bạn không có vết tích của COVID-19. Đây là trách nhiệm của ngành Y tế.

Do đó, Ban chỉ đạo đề nghị ngành Y tế có hướng dẫn sớm, cụ thể bởi hướng dẫn năm 2020 đã không còn phù hợp. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng cần hướng dẫn việc cho phép các chủ hàng, thương nhân Trung Quốc được sang đất Việt Nam, ở vùng an toàn để tiếp nhận hàng hóa, giải quyết các vấn đề thông quan được thuận lợi.

Lưu Hiệp
.
.
.