Kiểm soát có trọng tâm gian lận thương mại trên không gian mạng

Thứ Tư, 12/01/2022, 07:52

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Các hành vi vi phạm pháp luật có tính ẩn danh rất cao, dễ giả mạo, thay đổi che giấu nhân thân lý lịch người thực hiện; dễ tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng, không phân biệt ranh giới, khu vực. Đối tượng có thể ở tại vị trí này để hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ở một vị trí khác.

Tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang web TMĐT, đặc biệt các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội,... thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Điển hình là vụ việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook tại TP Lào Cai đã được lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tấn công và triệt phá thành công vào tháng 7/2020, với tổng số sản phẩm tạm giữ là 158.014 đơn vị sản phẩm nằm trong 237 chủng loại hàng hóa. Đây là vụ việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả thông qua TMĐT lớn nhất từ trước tới nay mà cơ quan QLTT cùng các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý thành công.

Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, trong năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng. Số vụ kiểm tra đột xuất, định kỳ giảm so với cùng kỳ nhưng các vụ việc xử lý có độ răn đe cao. Tổng số tiền xử phạt hành chính giảm nhưng tổng số tiền xử lý tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều vụ việc nổi cộm có giá trị tuyên truyền cao, tạo được niềm tin cho nhân dân, ổn định công tác thị trường trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, chịu tác động từ đại dịch, các đối tượng đã thay đổi phương thức, thủ đoạn vi phạm, chuyển từ các hình thức kinh doanh, buôn bán truyền thống sang kinh doanh, buôn bán trên môi trường số, các nền tảng mạng xã hội với các hình thức ngày càng tinh vi. Riêng trong lĩnh vực TMĐT, trong năm, QLTT Hà Nội đã kiểm tra 227 vụ việc, phạt hành chính hơn 3,7 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội, Cục QLTT Hà Nội đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, như Công an thành phố, Công an các quận huyện, Hải quan, Sở Công Thương… tổ chức kiểm tra, xử lý phát hiện nhiều vụ việc có quy mô lớn, trọng điểm, đặc biệt là các vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu có dấu hiệu buôn lậu, sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu.

Theo đó, trong năm 2021, đơn vị đã phối hợp với Công an thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý 854 vụ, xử phạt trên 15 tỷ đồng với tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 65 tỷ đồng. Như vậy, cả năm 2021, lực lượng QLTT Hà Nội đã tổng kiểm tra trên 4.000 vụ việc, xử lý 4.042 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước trên 177,9 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục QLTT tính đến tháng 10/2021, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra gần 2.500 vụ việc, phát hiện, xử lý trên 2.300 vụ vi phạm (bao gồm hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 18 tỷ đồng.

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là đấu tranh chống hàng gian, hàng giả trên môi trường mạng, kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục các chủ thể, chủ sàn giao dịch TMĐT, trên mạng xã hội, chứ không còn chỉ là việc đi kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thương mại theo phương thức truyền thống. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chú trọng vào những mặt hàng trọng điểm, những địa bàn trọng tâm, nổi cộm về kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; đặc biệt là trên môi trường mạng xã hội.

Phan Đức
.
.
.