Buôn lậu, gian lận thương mại điện tử ngày càng tinh vi, phức tạp

Thứ Sáu, 12/11/2021, 15:46

Ngày 12/11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải cho biết, hiện nay, internet đã bao phủ hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Tiêu dùng nội địa đang ngày càng đóng góp nhiều trong tăng trưởng GDP, qua đó đã thúc đẩy phương thức trao đổi hàng hóa qua thương mại điện tử. Các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua thương mại điện tử ngày càng tinh vi, phức tạp.

Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua thương mại điện tử ngày càng tinh vi, phức tạp -0
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến.

Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho thương mại phát triển bền vững, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Cũng theo ông Lê Thanh Hải, Văn phòng thường trực nhận thấy công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử là một nhiệm vụ mới, phức tạp, đòi hỏi các cơ quan chức năng nhận thức rõ bản chất của thương mại điện tử cũng như nhận diện các hành vi vi phạm.

Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua thương mại điện tử ngày càng tinh vi, phức tạp -0
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến.

Tại hội nghị, nhiều kinh nghiệm trong công tác điều tra, xử lý các hành vi vi phạm trên môi trường kinh doanh mạng đã được các lực lượng chức năng chia sẻ. Đại diện các đơn vị cho rằng, việc phát triển thương mại điện tử đồng nghĩa với việc kiểm soát thị trường sẽ gặp nhiều bất lợi vì đa số các gian hàng trên mạng là gian hàng ảo có địa chỉ ma, số điện thoại không rõ ràng, dịch vụ bưu chính vẫn chưa có chế tài chặt chẽ. Bên cạnh đó, vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự an toàn xã hội.

Thời gian tới, để đảm bảo hiệu quả trong công tác thu thập thông tin, tài liệu và phối hợp điều tra xử lý, các lực lượng đấu tranh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị được giao nhiệm vụ, cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết, phân công rõ vai trò trách nhiệm của từng lực lượng tham gia công tác điều tra xử lý.

 

Lưu Hiệp
.
.
.