Khắc phục khó khăn để khai thác dư địa của thị trường Trung Quốc
Tuy ngành chế biến lương thực thực phẩm đang gặp khó khăn, nhưng về lâu dài, dư địa phát triển và tiềm năng xuất khẩu (XK) vẫn còn rất lớn nếu các doanh nghiệp (DN) khai thác tốt thị trường Trung Quốc, ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết tại hội thảo: “Nâng cao chất lượng thực phẩm XK vào thị trường Trung Quốc” do ITPC phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức ngày 16/6.
Ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm của TP Hồ Chí Minh, đóng góp 14 - 15% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Trong 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành giảm 4,7% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy ngành chế biến lương thực, thực phẩm đang đối mặt với những khó khăn.
Theo ông Trần Phú Lữ, hiện nay Trung Quốc được xem là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam về thị trường XK. Trong quý I/2023, kim ngạch XK của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD (giảm 11,3% so với cùng kỳ). Các nhóm hàng XK chính của Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm: nhóm hàng chế biến, chế tạo, đạt 9,5 tỷ USD (giảm 11,26%) và nhóm hàng nông, thủy sản đạt 1,8 tỷ USD (tăng 2,39%).
Đặc biệt, Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đã khắt khe hơn về các quy định tiêu chuẩn hàng hóa thực phẩm. Mặt khác, nền kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu vẫn XK, các mặt hàng XK của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này tạo khó khăn và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam.
Trong nhóm 10 nước XK nông sản lớn nhất vào thị trường Trung Quốc thì Việt Nam xếp thứ 10 với kim ngạch XK năm 2022 đạt trên 6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 2,6% tổng giá trị NK nông sản của Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ trọng, thị phần XK chưa cao nên dư địa hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc vẫn còn khá lớn.
Riêng nhóm hàng rau quả, Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước có kim ngạch XK lớn nhất sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, Việt Nam đã XK chính thức sang Trung Quốc 13 mặt hàng gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, dưa hấu, chuối, vải, nhãn, chôm chôm, mít, xoài, măng cụt, chanh dây và sầu riêng.
Đặc biệt, năm 2021 trái thanh long chiếm tỷ trọng (giá trị và số lượng) lớn nhất trong các loại trái cây XK sang Trung Quốc và cũng chiếm gần 100% NK thanh long của nước này từ bên ngoài. Tháng 7/2022, Trung Quốc mở cửa cho trái sầu riêng Việt Nam, đây chính là loại quả mang lại lợi nhuận rất lớn cho DN. Dự báo năm nay, sầu riêng đạt kim ngạch 1 tỷ USD, sẽ chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong các loại trái cây Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Với nhóm hàng thủy sản, đến nay Trung Quốc đã cho phép 48 loài thủy sản sống và 128 loại thủy sản đông lạnh của Việt Nam được XK sang thị trường này. Các loại thủy sản XK nhiều nhất là tôm các loại, cá tra, cá basa, cá khô, cá đông lạnh, mực, cua, surimi, cá ngừ...
Ông Lương Văn Tài – Tùy viên Thương mại – Bộ phận Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc có nhu cầu NK đối với một số loại nông sản, thực phẩm như: Đậu nành, sữa, ngũ cốc, thịt, dầu ăn, đường... Theo báo cáo triển vọng nông nghiệp Trung Quốc (2022-2031), năm 2021 tiêu thụ rau xanh của Trung Quốc đạt 561 triệu tấn, tăng 0,5%; tiêu thụ trái cây đạt 282 triệu tấn, tăng 2,5%; thủy sản đạt 68,88 triệu tấn, tăng 2,3%; đường ăn 15,5 triệu tấn; sữa và sản phẩm sữa đạt 59,72 triệu tấn...
Mỗi năm NK hơn chục tỷ USD các mặt hàng này. Nhu cầu tiêu dùng và NK đối với trái cây nhiệt đới của Trung Quốc còn rất lớn và tăng trưởng hàng năm, dự báo đến năm 2026 số lượng tiêu thụ và NK trái cây lần lượt đạt 319 triệu tấn và 14,98 triệu tấn. Tuy nhiên, hàng trái cây của Việt Nam hiện XK chủ yếu cho thị trường miền Nam Trung Quốc, trong khi khu vực phía Bắc dư địa vẫn còn rất lớn.
Ông Lương Văn Tài cũng khuyến nghị với DN khi XK vào thị trường Trung Quốc: Tiếp tục phát huy lợi thế về vị trí địa lý, giá thành sản xuất thấp, các sản phẩm nhiệt đới... đặc biệt là các loại nông sản thu hút sự quan tâm của NTD Trung Quốc để chúng ta đáp ứng tối đa tiềm năng và dư địa của thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nông sản Việt Nam phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn nước NK và tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, ATVSTP; tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước NK và chú trọng xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, khi làm ăn với Trung Quốc, DN Việt Nam cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước NK.