Xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường Mỹ lần đầu tiên đạt mốc 2 tỷ USD

Thứ Bảy, 26/11/2022, 15:22

Sau giai đoạn tăng mạnh vào sáu tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu và các đơn hàng của ngành thủy sản đã và đang có xu hướng giảm dù đã vào giai đoạn cao điểm tiêu dùng.

Ngày 26/11, tại TP Cần Thơ, diễn ra hội thảo “Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng”.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết: xuất khẩu thủy sản năm nay dự kiến đạt kim ngạch khoảng 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD, cá tra khoảng 2,5 tỷ USD, hải sản 3,2 tỷ USD và cá ngừ 1 tỷ USD. Các sản phẩm đều tăng trưởng bình quân từ 18 đến 77%. Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản nằm top 4, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu. Riêng thị trường Mỹ, lần đầu tiên đạt kim ngạch thủy sản trên 2 tỷ USD.

Xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD -0
Xuất khẩu tôm chiếm tỷ lệ cao, đạt 4,3 tỷ USD.

Sự phục hồi của ngành thuỷ sản diễn ra nhanh và mạnh sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là sáu tháng đầu năm 2022. Sau giai đoạn tăng mạnh, giá trị XK và các đơn hàng của doanh nghiệp ngành thủy sản đã và đang có xu hướng giảm dù vào giai đoạn cao điểm tiêu dùng cuối năm.

Dưới tác động của lạm phát toàn cầu tăng cao, chênh lệch tỷ giá khiến hàng xuất khẩu từ Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn so với đối thủ tại các thị trường nhập khẩu lớn. Lượng đơn đặt hàng có xu hướng sụt giảm, lượng hàng tồn kho tăng, trong khi khâu bảo quản, logistics vẫn là điểm yếu của phần lớn doanh nghiệp trong ngành thủy sản.

Với đặc thù phải huy động nhiều vốn vay để tài trợ nguồn hàng, không ít doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn thời tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và chi phí vốn.

Một kết quả khảo sát trên 117 doanh nghiệp, có tới 71% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng ngành thủy sản năm 2023 sẽ khó khăn. Hơn 22% doanh nghiệp đánh giá sẽ rất khó khăn và chỉ khoảng 7% doanh nghiệp lạc quan vào bức tranh ngành thủy sản trong thời gian tới.

Ba nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lo ngại là biến động tỷ giá, nguồn vốn thắt chặt; kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến tồn kho tăng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ.

Văn Vĩnh
.
.
.