Kêu gọi các hãng tàu chung tay “giải cứu” ách tắc nông sản

Thứ Bảy, 08/01/2022, 08:03

Ngày 7/1, thông tin từ Cục Hàng Hải Việt Nam cho biết, trước tình trạng ùn tắc hàng hóa nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc diễn biến phức tạp, đơn vị đã tổ chức họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, điều chuyển hàng hóa bằng đường bộ sang đường biển cho doanh nghiệp.

Thông tin tại cuộc họp cho biết, việc vận tải hàng hóa nông sản, hoa quả từ Việt Nam đi Trung Quốc hiện được vận tải bằng hai phương thức chính: Vận tải đường biển đối với thị trường phía Bắc Trung Quốc (tuyến xa) và vận tải đường bộ đối với thị trường phía Nam Trung Quốc (tuyến ngắn, gần biên giới đường bộ của Việt Nam). Tuy nhiên, việc chuyển đổi phương thức vận tải nông sản từ đường bộ sang đường biển vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, mặt hàng nông sản của Việt Nam phần lớn do thương lái Trung Quốc thu mua tại các địa phương và được chỉ định thu xếp, vận tải bằng đường bộ qua cửa khẩu Tân Thanh (Trung Quốc). Do Trung Quốc coi cửa khẩu này là đường tiểu ngạch nên được ưu đãi giảm thuế, phí và các quy định khác về kiểm dịch để phục vụ nhu cầu của nhân dân khu vực biên giới.Khu vực biên giới phía Bắc giữa Việt Nam - Trung Quốc còn có nhiều cửa khẩu đường bộ khác được phép thông quan hàng hóa, nhưng những mặt hàng nông sản này cũng không được các thương lái Trung Quốc chỉ định do chính sách của các khu vực không có các ưu đãi, miễn giảm.

Kêu gọi các hãng tàu chung tay “giải cứu” ách tắc nông sản -0
Xe hàng nông sản ùn ứ tại Lạng Sơn khi dừng thông quan.

Cùng đó, nhiều mặt hàng hoa quả nhanh hỏng nên vận chuyển bằng đường biển gây rủi ro lớn cho hãng tàu khi hàng hóa bị hỏng phải xuất trở lại Việt Nam. Bên cạnh đó, các cảng biển tại Trung Quốc vẫn trong giai đoạn siết chặt kiểm soát dịch, hoạt động hạn chế, gây ra ùn tắc tàu thuyền tại cảng. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá cước vận tải bằng đường biển tăng cao, tình trạng thiếu container rỗng, thiếu tàu vẫn diễn ra nên việc đặt chỗ ngắn hạn hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.

Việc vận chuyển container đi Trung Quốc phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài (khoảng 20 hãng tàu nước ngoài có tuyến sang Trung Quốc), Việt Nam không có hãng tàu nào mở tuyến sang Trung Quốc. Những nguyên nhân trên dẫn đến tình trạng dù nguồn cung sản lượng nông sản vận tải sang Trung Quốc rất lớn, nhiều khách hàng vẫn lựa chọn phương thức vận tải bằng đường bộ, dẫn đến sản lượng nông sản vận tải bằng đường biển chưa đủ hấp dẫn để hãng tàu mở thêm tuyến vận tải.

Kêu gọi các hãng tàu chung tay “giải cứu” ách tắc nông sản -0
Việc chuyển đổi phương thức vận tải nông sản từ đường bộ sang đường biển vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, để đẩy mạnh việc chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng nông sản từ đường bộ sang đường biển, về cơ bản phải điều chỉnh được việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc theo đường chính ngạch để tránh rủi ro về mặt chính sách. Vận tải đường biển dựa trên quan hệ cung cầu, các hãng tàu không thể bổ sung hoặc thiết lập tuyến mới trong thời gian ngắn để phục vụ khách hàng.

Theo ông Giang, để tiếp tục có giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) triển khai 4 giải pháp chính. Trong đó, cơ quan quản lý sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam làm việc với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản, các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết tạo nguồn hàng đủ lớn để ký hợp đồng vận tải dài hạn trực tiếp với hãng tàu. Đồng thời, khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải sang Trung Quốc để kêu gọi các hãng tàu bổ sung chỗ và vỏ container lạnh về Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong giai đoạn trước mắt; tuyên truyền, cung cấp thông tin để các chủ doanh nghiệp Việt Nam dịch chuyển số container đang ùn tắc tại biên giới sang vận tải bằng đường biển…

Đ.Nhật
.
.
.